Đa số các dòng thuế xuất nhập khẩu nông sản sẽ về 0% vào năm 2018 - Ảnh: Thùy Dung |
Tới thời điểm hiện nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết và đang triển khai thực hiện 7 Hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm: Hiệp định thương mại hàng hóa Asean (ATIGA), FTA Asean – Hàn Quốc, FTA Asean – Ấn Độ, FTA Asean – Úc/New Zealand, FTA Asean – Nhật Bản và FTA Việt Nam – Nhật Bản.
Nhìn chung, đến năm 2018, hầu hết các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất nhập khẩu sẽ về 0%, chỉ còn một số ít mặt hàng nông sản còn áp thuế 5%. Thay vào đó, các nước sẽ hạn chế nhập khẩu bằng cách đưa ra các hàng rào phi thuế quan để bảo vệ sản xuất trong nước như kiểm dịch động thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định và tiêu chuẩn quốc tế.
Theo Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát, Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao như gạo, cà phê, cao su, chè, tiêu, điều, sắn, trái cây…Vì vậy, khi hội nhập, đây là những mặt hàng được hưởng nhiều lợi ích.
Tuy nhiên, Việt Nam yếu nhất là sản phẩm ngành chăn nuôi. Trước đây, Việt Nam bảo hộ mạnh ngành này bằng thuế, những quy định về kiểm dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng tới đây nhìn bảng thuế chỉ còn thịt gà là áp thuế nhập khẩu 5%, còn trâu, bò, heo, sữa đều giảm về 0% vào năm 2018, áp lực cạnh tranh là rất lớn. Nếu không có biện pháp phù hợp Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi của các nước, sản xuất trong nước sẽ phải co lại, nông dân không có cơ hội để có thu nhập với nghề.
“Tôi đã có nhiều cuộc đàm phán với các nước, nước nào cũng chỉ muốn bán hàng cho chúng ta. Ví dụ như sang Úc, New Zealand, họ đều nói họ là nước nông nghiệp và Việt Nam là thị trường tiêu thụ lớn, tiềm năng của họ,” Bộ trưởng Phát nói. Chính vì vậy, cần phải tìm ra giải pháp để các nước cùng có lợi và phát huy được lợi thế của nhau.
Ngoài chăn nuôi, một số loại trái cây, nông sản khác như đỗ tương, ngô, thuốc lá, bông…cũng là những “yếu điểm” của Việt Nam.
Tại hội nghị, ông Lê Đình Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho hay, hội nhập là điều tất yếu và chắc chắn phải làm. Nhưng trong thời điểm hiện nay, hội nhập đang đặt ra nhiều thách thức nếu chúng ta không tổ chức lại khâu sản xuất.
Riêng tại Hà Tĩnh, việc xuất khẩu mặt hàng nông sản cũng không phải dễ dàng, hàng hóa không cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu. Ngay cả tâm lý người tiêu dùng vẫn sính ngoại, nên nhiều mặt hàng thua ngay trên sân nhà. Để tận dụng cơ hội, hạn chế rủi ro khi hội nhập, ông Sơn cho rằng cần cung cấp các các thông tin về hội nhập, điều kiện xuất khẩu hàng hóa, mức thuế, thủ tục. “Hiện nay, thông tin về các vấn đề này rất ít, ngay cả cán bộ của tỉnh còn thiếu thông tin nói chi người nông dân” – ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, chi phí trung gian còn quá nhiều. Ví dụ như, thức ăn cho tôm đến tay người nuôi tôm khoảng 33.000 đồng/kg nhưng đơn vị cung ứng bán cho các cửa hàng phân phối chỉ 28.000 đồng/kg, chênh lệch khoảng 15%. Nếu tính cho toàn chuỗi sản xuất thì với chi phí trung gian đó đã làm tăng giá sản phẩm lên 9%. Tương tự như vậy đối với chuỗi sản xuất nuôi heo là 6%. “Chúng ta đang bàn tới hội nhập, thuế sẽ giảm từ 10% xuống 0%, và nếu tổ chức lại sản xuất, giảm chi phí trung gian thì giá thành sản phẩm cũng đã giảm đi khoảng 10%” – ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc đối với các mặt hàng nông nghiệp cũng là một vấn đề khó khăn đối với địa phương.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng cho rằng, để thông tin tới người dân và doanh nghiệp nhiều hơn, Bộ NNPTNT cần lập một trang web cung cấp các thông tin cập nhật về tiến trình hội nhập.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phát cho hay, tình hình đang trở nên rất khẩn trương với nhiều hiệp định đã ký kết và nhiều hiệp định đang đàm phán như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA giữa Việt Nam và EU, Việt Nam và Liên minh Hải quan. “Nông nghiệp Việt Nam sẽ hoàn toàn mở cửa, hội nhập và thời gian không chờ đợi, phải nỗ lực để thực hiện những gì cần làm để phát huy cơ hội và đối phó với thách thức,” Bộ trưởng Phát nói.
Thùy Dung
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online