Chủ quyền biển Đông: Chính sách quốc phòng 'Ba không 2.0' cho VN

01/04/2015 14:11 PM

Hành động của Trung Quốc (TQ) trên biển Đông trong những năm gần đây ngày càng trở nên quyết đoán, hung hăng nhờ vào ưu thế sức mạnh quân sự và triển khai các lực lượng bán vũ trang trên diện rộng bất chấp luật quốc tế và dư luận thế giới.

Đâu là lý do chính khiến TQ “đốt nóng” biển Đông? Và giải pháp đối trọng cho Việt Nam hạn chế về nguồn lực là gì?

Đó là nội dung mà các chuyên gia, học giả tại chương trình Tổng kết giải thưởng nghiên cứu biển Đông do Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu biển Đông, thuộc Viện Nghiên cứu biển Đông (Bộ Ngoại giao Việt Nam) tổ chức tại Học viện Ngoại giao ngày 31-3.

Tại sao TQ ngày càng quyết đoán?

Đây là vấn đề TS Hà Anh Tuấn (ĐH New South Wales, Úc) đề cập trong công trình nghiên cứu “Những vận động nội tại thúc đẩy chính sách quyết đoán của TQ trên biển Đông từ sau 2007”. Đây là một trong ba công trình nghiên cứu xuất sắc trong năm 2015.

Bằng phương pháp diễn giải, lấy thông tin từ phỏng vấn 11 học giả TQ cùng nhiều chuyên gia quốc tế từ Mỹ, Úc và thu thập tài liệu tiếng Trung trên Internet, TS Hà Anh Tuấn nhận định có ba nhân tố chính tác động đến hành động ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh.

Việc hình thành khái niệm “đường lưỡi bò” từ rất sớm (năm 1949) cùng với cách diễn giải lịch sử, tuyên truyền diện rộng, giáo dục nhiều thế hệ một cách sai lệch (về cả mặt lịch sử lẫn luật pháp quốc tế) về chủ quyền biển đảo của chính quyền Bắc Kinh trong suốt mấy chục năm qua đã tạo ra “hiện thực mới”, “lịch sử mới” sau mỗi lần căng thẳng khiến TQ khó có thể lùi bước. Đó là chưa kể việc diễn giải lịch sử, thực tiễn không chính xác khiến người dân TQ - vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa dân tộc - hiểu sai về chủ quyền biển đảo của TQ, tạo áp lực khiến chính phủ TQ càng khó có đường lùi.

Ba tác giả đạt giải công trình nghiên cứu xuất sắc năm 2014. (Từ trái sang: TS Hà Anh Tuấn; TS Vũ Hải Đăng; TS Trương Minh Huy Vũ). Ảnh: ĐẠI THẮNG

Về khía cạnh quân sự, nhu cầu độc chiếm biển Đông của TQ ngày càng lớn hòng phát triển đội tàu sân bay, tàu ngầm chiến lược và hàng không vũ trụ. Song song đó, khả năng kiểm soát biển Đông của TQ cũng tăng đáng kể trong những năm gần đây, thể hiện qua việc Bắc Kinh gia tăng vũ khí và công nghệ hiện đại: radar OTH, hệ thống vệ tinh (Giao Cảm-1), hệ thống GPS (Bắc đẩu-2), tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay (Đông Phong DF21-D). Như vậy TQ vừa có động lực (mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự) và vừa có cơ sở sức mạnh cứng (vũ khí hiện đại) để hành động ngày một táo bạo, liều lĩnh và quyết liệt hơn.

Động lực cuối cùng thúc đẩy đến chính sách ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh ở biển Đông chính là kinh tế biển ngày càng đóng vai trò quan trọng. Nhu cầu dầu lửa của TQ ngày càng lớn; kèm theo đó là nhu cầu đánh bắt cá xa bờ ngày càng cao do ngư dân TQ đối diện tình trạng cạn kiệt nguồn thủy sản ở gần. Ứng với hai nhu cầu cơ bản và quan trọng này, TQ có hai nguồn lực tương ứng: các giàn khoan khai thác dầu khủng (giàn khoan 981), hệ thống tàu đánh bắt cá xa bờ lớn, với lực lượng chấp pháp hùng hậu hỗ trợ. Thế nên Bắc Kinh ngày càng tự tin trên từng nước cờ của mình, bất chấp các quan ngại về luật pháp hay dư luận quốc tế.

Chính sách quốc phòng “ba không 2.0” cho Việt Nam?

Hành động quyết đoán của TQ là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, làm thế nào để đối đầu với hành động ngày càng hung hăng, liều lĩnh của Bắc Kinh nhưng vẫn đảm bảo được phương châm “ba không” (không liên minh; không căn cứ quân sự nước ngoài; không sử dụng nước này chống nước kia) đó là vấn đề mà TS Trương Minh Huy Vũ và cộng sự Nguyễn Thế Phương mong muốn giải quyết qua đề xuất “Chính sách quốc phòng ba không 2.0”. (Phiên bản 2 của chính sách quốc phòng ba không được TS Huy Vũ và cộng sự đề xuất năm 2014)

“Chính sách quốc phòng ba không 2.0 sẽ là giải pháp vừa giúp Việt Nam đảm bảo ổn định và chủ quyền trước một TQ đầy sức mạnh và quyết đoán; vừa đảm bảo Việt Nam vẫn theo đuổi tôn chỉ “ba không” theo xu thế chung được quốc tế ủng hộ” - TS Trương Minh Huy Vũ nhấn mạnh.

Nếu so sánh cán cân sức mạnh quân sự giữa Mỹ và TQ, dù Bắc Kinh đang dịch chuyển từ cường quốc lục địa sang cường quốc đại dương thì trong ngắn hạn lực lượng hải quân phối hợp tác chiến của Washington vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối so với Bắc Kinh. Điều quan trọng hơn trong chiến lược triển khai sức mạnh tại biển Đông của Mỹ chính là việc áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật mang tính đột phá nhằm tạo ưu thế thông tin, tình báo - giám sát.

Điển hình là chiến lược tác chiến không gian mạng; tác chiến không gian; máy bay, tàu ngầm không người lái; kỹ thuật người máy; tác chiến điện từ… Tất cả Mỹ gọi là: Tiếp cận toàn diện (all domain access) - tức Mỹ không chỉ chú trọng sức mạnh súng đạn mà còn ứng dụng công nghệ vượt trội vào chiến lược giám sát, đối phó TQ ở biển Đông.

Vậy Việt Nam sẽ làm gì để có ưu thế từ chiến lược “Tiếp cận toàn diện” của Mỹ? “Chính sách quốc phòng ba không 2.0” chính là một gợi ý. Việt Nam có thể tham gia hợp tác như một nút thắt quan trọng trong chiến lược “Tiếp cận toàn diện của Mỹ”, tiếp cận từ góc độ hợp tác tình báo, môi trường biển, tự do hàng hải, khảo sát địa chất, chống cướp biển, phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ phát triển hàng hải…

Bảo tồn biển để đối trọng TQ

Nếu như TS Trương Minh Huy Vũ tiếp cận chiến lược cho Việt Nam tại biển Đông ở góc độ “ba không 2.0” - chú trọng hợp tác các vấn đề phi quân sự - thì TS Vũ Hải Đăng (Trường Luật Schilich, Canada) lại đưa ra “Những định hướng pháp lý và chính trị hướng tới xây dựng một mạng lưới các khu bảo tồn biển trên biển Đông” nhằm đối trọng Bắc Kinh.

Theo đó, TS Vũ Hải Đăng cho rằng: “Hầu như tất cả chiến lược, sáng kiến của TQ trên biển Đông, mà gần nhất là vành đai Con đường tơ lụa, đều hướng đến khai thác các lợi ích về kinh tế mà bỏ qua các nhân tố về môi trường sống” - yếu tố an ninh phi truyền thống mà giới nghiên cứu cũng đánh giá rất cao.

Để trám chỗ trống quan trọng này, “khu bảo tồn” chính là đối tượng Việt Nam cần hướng tới xây dựng dựa trên cơ sở luật quốc tế. Cụ thể ở cấp độ quốc gia, Việt Nam cần chú trọng thiết lập các khu bảo tồn biển ở cấp độ quốc gia trên cơ sở những mục tiêu bảo tồn toàn khu vực; thiết lập các khu bảo tồn biển xuyên biên giới; thúc đẩy các biện pháp ở cấp độ quốc gia nhằm thực hiện các mục tiêu bảo tồn khu vực; thường xuyên cập nhật các mục tiêu bảo tồn khu vực.

Ở cấp độ khu vực, Việt Nam cần thực hiện tốt đề án mạng lưới các khu bảo tồn cá ở biển Đông; tăng cường năng lực cho cơ chế danh sách các công viên bảo tồn ASEAN; xác định các khu vực quan trọng cho các loài vật di cư ở biển Đông; phát triển các mạng lưới khu bảo tồn biển toàn biển Đông trong khuôn khổ các cơ chế quốc tế; thiết lập các khu vực bảo tồn biển chống lại ô nhiễm môi trường biển từ tàu; tăng cường nghiên cứu khoa học biển để xác định các khu vực có tiềm năng bảo tồn trong các khu vực có yêu sách chồng lấn.

Việc chủ động tiến hành thành lập các khu bảo tồn trên biển - một hoạt động chắc chắn sẽ nâng cao vai trò, ưu thế Việt Nam tại biển Đông và khu vực. Từ đó góp phần huy động lực lượng quốc tế tham gia đóng góp vào quá trình ổn định an ninh môi trường nói riêng và an ninh khu vực biển Đông nói chung.

Thiết lập thể chế khu vực bảo tồn biển

Cần thiết lập một thể chế khu vực liên quan đến bảo tồn biển, trong đó chú trọng: i) Thiết lập một diễn đàn khu vực cho các chuyên gia về khu bảo tồn biển thường xuyên gặp gỡ, trao đổi; ii) Ký kết một hiệp định khung khu vực về khu bảo tồn biển; iii) Xây dựng một cơ chế khu vực để quản lý hợp tác liên quan đến khu bảo tồn biển; iv) Thiết lập một danh sách các khu vực cần được bảo tồn; v) Thiết lập một danh sách các khu bảo tồn biển có tầm quan trọng xuyên biển Đông; vi) Thiết lập một cơ chế giám sát ở cấp độ khu vực đối với các khu bảo tồn biển; vii) Thiết lập một cơ chế thực thi đặc biệt ở cấp độ khu vực.

TS Vũ Hải Đăng (Trường Luật Schilich, Canada)

Giải thưởng Nghiên cứu biển Đông năm 2014 có 552 người tham gia ở 47 lĩnh vực khác nhau. Đây cũng là lần đầu tiên phát động giải cho báo chí. Trong đó báo Pháp Luật TP.HCMvinh dự là một trong sáu tác phẩm báo chí xuất sắc về biển Đông 2014 - loạt bài: “Giàn khoan Hải Dương 981 trên bàn cờ biển Đông của TQ và giải pháp cho Việt Nam” của cây bút Đỗ Thiện. Cây bút Thành Danh báo Pháp Luật TP.HCM cũng xuất sắc nằm trong tốp 8 các bài viết nghiên cứu xuất sắc năm 2014 với đề tài: Liên minh sức mạnh hay cầu nối ngoại giao: Đánh giá chung cường quốc qua trường hợp Úc và Indonesia trong tranh chấp biển Đông.

ĐẠI THẮNG

Theo Pháp luật TP.HCM

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,815

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn