Có hiện tượng “lobby” chính sách

29/01/2015 08:08 AM

Các đề án đã thẳng thắn nêu nguyên do dẫn đến những tiêu cực trong ngành mình, thậm chí, có đơn vị cho rằng còn hiện tượng “lobby” chính sách trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật.

Tại Hội thảo thực trạng giải pháp phòng chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Ảnh: T.H

Đó là những nội dung chính được nêu ra trong hội thảo “Thực trạng, giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp”, do Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tổ chức, ngày 28/1.

Bức cung, nhục hình còn nhiều

Đánh giá về nạn tham nhũng và những tiêu cực trong hoạt động tư pháp, bà Hoàng Thị Quỳnh Chi - Phó viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát, Viện KSND Tối cao, cho hay, đây là hiện tượng còn diễn biến phức tạp. Các hành vi đưa, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền trong khi thi hành công vụ, bức cung, nhục hình, thiếu trách nhiệm, làm sai lệch hồ sơ vụ án của những người có chức danh tư pháp hoặc của người được giao thẩm quyền thực hiện một số hoạt động tư pháp còn xảy ra nhiều, chưa được phát hiện triệt để và xử lý theo pháp luật.

Cũng theo bà Chi, số vụ án tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp được phát hiện, khởi tố, điều tra và xử lý theo pháp luật còn đạt tỷ lệ thấp so với tổng số vụ án tham nhũng, chức vụ, chưa tương xứng với thực trạng vi phạm, tội phạm ở lĩnh vực này.

Nói về nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, ghi nhận của Viện KSND Tối cao thể hiện, cơ chế, chính sách pháp luật chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, nhiều chế định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, sơ hở, lợi dụng, thiếu chế tài xử lý. Bên cạnh đó, việc kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp chưa đảm bảo chặt chẽ, sự phân công, phân cấp chưa rõ ràng, rành mạch, việc hướng dẫn, giải thích pháp luật chưa kịp thời, chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến việc nhận thức, áp dụng pháp luật giữa các cơ quan, cá nhân thực hiện các hoạt động tư pháp chưa thống nhất.

Xuất hiện hiện tượng “lobby” chính sách

Trong đề án “Thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong các hoạt động tư pháp do Bộ Tư pháp quản lý” đã thể hiện khá thẳng thắn nhiều nội dung liên quan đến hành vi tiêu cực. “Mỗi lĩnh vực do Bộ Tư pháp quản lý đều có hoặc có thể tiềm ẩn tiêu cực, như trong công tác xây dựng pháp luật, có một số biểu hiện lợi ích nhóm, lobby chính sách, lồng ghép lợi ích…” - đề án nêu.

Cũng theo ghi nhận từ Bộ Tư pháp, trong lĩnh vực thi hành án, do đặc thù của hoạt động liên quan trực tiếp đến tài sản của các đương sự nên tiêu cực có thể phát sinh từ phía người được thi hành án và từ người thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chấp hành viên, cán bộ thi hành án. Tiêu cực cũng có thể phát sinh trong tất cả các khâu, từ nhận đơn yêu cầu thi hành án đến thi hành xong một bản án.

Đề án cũng nêu rõ, các hoạt động của cá nhân trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, như luật sư, giám định viên, công chứng viên, có ý nghĩa như một cầu nối giữa những người có thẩm quyền quyết định trong điều tra, truy tố, xét xử… với cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan. “Thực tế, đây là khâu dễ phát sinh tiêu cực, như môi giới, trung gian nhận và đưa hối lộ” - đại diện Bộ Tư pháp khẳng định.

...Và bao che sai phạm

Trong Đề án phòng, chống tiêu cực của ngành Tòa án, ngoài việc nêu những kết quả khả quan, đơn vị này đã thẳng thắn đưa ra những bất cập, tồn tại liên quan trực tiếp đến quá trình tố tụng.

Theo ông Nguyễn Anh Tiến - Trưởng ban Thanh tra TAND Tối cao, trong quá trình tố tụng, ở nhiều vụ án, các tòa án đã áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo hưởng án treo không đúng, hoặc đình chỉ vụ án có tình trạng nể nang, né tránh, thậm chí bao che trong việc xử lý đối với cán bộ cơ quan tư pháp, nhiều hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp chưa được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, từ đó gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, làm giảm uy tín và hiệu lực hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Cũng theo ông Tiến, nhiều cán bộ, công chức, tuy làm trong tòa án nhưng không nắm được, hoặc nắm chưa chắc những quy định cơ bản trong Luật Phòng, chống tham nhũng, cùng những quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm tham nhũng.

Cũng giống các đề án của một số ngành, phía đại diện Bộ Công an đã thẳng thắn nêu ra những lý do dẫn đến những tiêu cực trong lực lượng. Ông Lê Văn Thư - Phó cục trưởng Cục Pháp chế, Bộ Công an, nêu rõ, hệ thống pháp luật liên quan đến ngành công an vẫn còn nhiều kẽ hở để cán bộ lợi dụng, trong đó nhiều quy định và giải thích chưa thật sự rõ ràng, dẫn đến tình trạng “cố ý nhầm lẫn” giữa hình sự với dân sự…

Bên cạnh đó, môi trường làm việc thường phát sinh tiêu cực, nhất là môi trường tương đối độc lập của điều tra viên, giám định viên. Cũng theo ông Lê Văn Thư, một nguyên nhân rất quan trọng, liên quan đến việc tiêu cực trong lực lượng, đó chính là chuyện “alo, vỗ vai” trong quá trình thi hành công vụ.

“Mối quan hệ quen thuộc, quan hệ gia đình, sự tác động của chức vụ, quyền hạn đã tác động không nhỏ tới cán bộ điều tra khi thực thi nhiệm vụ” - Đề án của Bộ Công an nêu.

Nhận xét về các đề án của một số ngành, bà Lê Thị Thu Ba – Phó trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, thẳng thắn nhận xét, các cơ quan đã có sự chuẩn bị công phu, khoa học về những đề án của mình. Tuy vậy, vẫn còn một số đơn vị thể hiện mờ nhạt, chưa thật sự sát nghĩa với mục đích của hội thảo, như Đề án của Viện KSND Tối cao chưa nêu nổi bật công tác đấu tranh, phòng, chống tiêu cực trong nội bộ ngành mình...

Theo ông Nguyễn Anh Tiến - Trưởng ban Thanh tra TAND Tối cao, trong quá trình tố tụng, ở nhiều vụ án, các tòa án đã áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo hưởng án treo không đúng, hoặc đình chỉ vụ án có tình trạng nể nang, né tránh, thậm chí bao che trong việc xử lý đối với cán bộ cơ quan tư pháp...

Bảo Thắng

Theo tienphong.vn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,554

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn