Sau khi có chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã cho nghỉ việc 10 nhân viên sau sự cố khiến đài kiểm soát không lưu của sân bay Tân Sơn Nhất tê liệt hàng giờ đồng hồ
Trước đó, tại buổi làm việc về công tác đảm bảo an toàn hàng không sau một loạt sự cố điều hành bay, đặc biệt là sự cố sập nguồn điện “chưa từng có” tại Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay VN (VATM) rà soát lại toàn bộ chất lượng nguồn nhân lực, cho nghỉ việc số nhân viên yếu kém.
Không làm được việc, tự xin làm bảo vệ
Khẳng định kiên quyết đưa ra khỏi dây chuyền những lao động không đáp ứng yêu cầu, đại diện VATM cho biết, tại Tổng công ty đã có trường hợp kiểm soát viên không lưu (KSVKL) tự nguyện làm đơn xin chuyển sang bộ phận bảo vệ do không đạt yêu cầu về chất lượng.
Được biết, chỉ riêng về trình độ ngoại ngữ, từ đầu năm tới nay đã tổ chức ba đợt đánh giá trình độ tiếng Anh của các KSVKL. Có tới 130 người, tương đương 31% kiểm soát viên trên toàn hệ thống chưa đạt yêu cầu. Ngay sau đó, những người này đã không được bố trí trực điều hành chính trong kíp trực, chỉ làm công tác hiệp đồng với các đơn vị khai thác mặt đất, phòng không... đồng thời tổ chức đào tạo lại cho số KSVKL không đạt chuẩn này. Tuy nhiên, sau khóa đào tạo đợt 1, khi đánh giá lại đối với 30 người, vẫn có 10 người không đạt mức 4. Tổng giám đốc Tổng công ty đã có báo cáo gửi Hội đồng thành viên đề nghị tạm dừng hợp đồng, không trả lương với những nhân viên này và buộc phải đi học tiếp, nếu không đạt yêu cầu sẽ bị sa thải.
Liên quan đến vấn đề đánh giá chất lượng cán bộ, vị này cho biết, Tổng công ty chia làm ba mức: Phù hợp, phù hợp nhưng cần phải bổ sung thêm và không phù hợp. Đối với số lao động “phù hợp bổ sung thêm” thì sẽ tiến hành đào tạo bổ sung. Đối với những lao động không phù hợp, TCT xử lý theo hướng cho đào tạo lại. Sau khi đã đào tạo lại mà vẫn không đáp ứng yêu cầu thì sẽ kiên quyết chấm dứt hợp đồng.
'Con ông cháu cha' cũng mời ra khỏi bộ máy
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: “Như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng như các ĐBQH, các cử tri đã đánh giá, chất lượng cán bộ công chức hiện nay là 30% làm việc tốt, 30% phải cầm tay chỉ việc và 30% thì dù có cầm tay chỉ việc cũng không thể hoàn thành tốt công việc được giao, hay nói cách khác, đây chính là 30% cán bộ công chức yếu kém, “sáng cắp ô đi tối cắp về”.
Theo kết quả đánh giá chất lượng KSVKL của Tổng công ty Quản lý bay VN năm 2013, có tới 40% nhân viên đạt mức trung bình và yếu (32% trung bình, 8% yếu). Hiện nay, các đơn vị trong toàn công ty đang tổ chức huấn luyện tăng cường và đánh giá lại toàn bộ lực lượng tham gia điều hành bay, từ trưởng trung tâm kiểm soát, đến kíp trưởng, KSVKL... Ở cấp cao hơn, Tổng công ty sẽ đánh giá các Công ty Quản lý bay khu vực. |
“Theo nguyên tắc, khi đề bạt, bổ nhiệm hay tuyển dụng thì trí tuệ phải được đặt lên hàng đầu. Thế nhưng, thực tế xã hội hiện nay đang đi ngược lại, theo nguyên tắc “Nhất quan hệ, nhì tiền tệ, ba hậu duệ, bốn trí tuệ”, ông Tiến nói.
Theo ĐBQH Lê Như Tiến, trường hợp “con ông cháu cha” không hề có năng lực thực tế, không có trình độ, kỹ năng thì cần mạnh tay mời ra khỏi bộ máy.
Niềm tin từ sự quyết tâm
Lấy ví dụ điển hình về việc xử lý cán bộ yếu kém không đủ năng lực làm việc, ông Lê Như Tiến cho rằng, những quyết tâm của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trong thời gian vừa qua là rất đáng ghi nhận. “Mới đây nhất, trong sự cố khiến Đài Kiểm soát không lưu của Sân bay Tân Sơn Nhất tê liệt hàng giờ đồng hồ, đe dọa nghiêm trọng đến an toàn bay, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Thăng, Tổng công ty Quản lý bay VN đã rà soát và cho thôi việc 10 nhân viên, đồng thời tuyên bố sẽ xử lý nghiêm những trường hợp là con ông, cháu cha nhưng không làm được việc. Đó là một việc làm rất đáng hoan nghênh của tư lệnh ngành GTVT”, Đại biểu Lê Như Tiến nêu quan điểm.
Ông Tiến cũng cho biết thêm, ông đánh giá cao việc Bộ trưởng Thăng thường xuyên bám sát hiện trường, bám sát cơ sở, giải quyết và xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ sai phạm hay yếu kém trong công việc. “Trong việc xử lý các cán bộ yếu kém để cải thiện chất lượng của đội ngũ công chức, tôi rất có niềm tin vào Bộ trưởng Đinh La Thăng vì lời nói của ông luôn đi đôi với việc làm. Nếu như các Bộ, ngành đều làm quyết liệt như Bộ GTVT, như Bộ trưởng Thăng thì chắc chắn chúng ta sẽ có được một đội ngũ cán bộ công chức đạt chất lượng tốt”, ông Lê Như Tiến nhận xét.
Trong khi đó, trao đổi với PV Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng: “Mục tiêu hướng đến của chúng ta là cải thiện và nâng cao chất lượng cán bộ công chức, nên những trường hợp yếu kém hay không đủ năng lực thì phải được xem xét và đào tạo, còn những trường hợp có đủ năng lực phẩm chất thì hoàn toàn đủ điều kiện để tuyển dụng vào làm việc trong các cơ quan công quyền của Nhà nước. Trong thời gian qua, có một số Bộ trưởng, một số ngành cũng đã có những hành động quyết tâm trong việc loại bỏ những cán bộ công chức yếu kém, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, với những Bộ trưởng cương quyết và có trách nhiệm như vậy thì Bộ Nội vụ luôn luôn ủng hộ”, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Thanh Bình - Hoài Thu