Bầu Kiên: Chúng tôi đủ trình độ để không ai lừa được ai

03/12/2014 14:27 PM

Sáng 3-12, Bầu Kiên được phép trình bày kháng cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt 264 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát. Trước khi phát biểu, bị cáo Kiên đề nghị các bạn mình (các ông Trần Đình Long, Trần Tuấn Dương, Mai Văn Hà) bình tĩnh nghe phần trình bày vì sẽ “dùng ngôn ngữ của tòa sơ thẩm đã sử dụng”.

Bầu Kiên trong phiên xét xử sáng nay (3-12). Ảnh: Thu Nguyệt

“Ba chúng tôi là bạn bè thân thiết trong nhiều năm. Chúng tôi đủ trình độ để không ai có thể lừa ai cả. Trong quá trình điều tra, trong suốt các bản cung, tôi không tin Hòa Phát tố cáo tôi, tôi cũng không bao giờ tố cáo Hòa Phát. Tôi đề nghị anh Long, anh Dương, anh Hà (các ông Trần Đình Long, Trần Tuấn Dương, Mai Văn Hà) bình tĩnh khi nghe phần trình bày của tôi, vì tôi dùng ngôn ngữ của tòa sơ thẩm sử dụng”- bầu Kiên nói.

Bầu Kiên cũng cho biết, ngày 21-5-2012, sau khi hợp đồng giữa ACBI và Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát được ký kết, Tập đoàn Hòa Phát và các công ty con đã sở hữu thành công 20 triệu cổ phần của ACBI. Đây là bút toán ghi sổ, thuộc thẩm quyền của anh Dương, là người chịu trách nhiệm trước pháp luật. Với thẩm quyền của mình, anh Dương, anh Hà đã thực hiện việc sang tên 20 triệu cổ phần này cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát.

Anh Hà sau đó đã gửi thông báo đến Sở KHĐT Hải Dương đề nghị đăng ký sở hữu số cổ phần này cho Tập đoàn Hòa Phát.

Báo cáo Tài chính sáu tháng đầu năm của Tập đoàn cũng thể hiện đã tăng vốn sở hữu nâng từ 85% lên 95%.

Từ những lý do này, bầu Kiên khẳng định “không có chuyện công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát chưa nhận được 20 triệu cổ phần như công văn họ gửi Cơ quan cảnh sát điều tra”.

Bầu Kiên trình bày tại tòa:

Sau khi tôi bị bắt, có thể vì bị nhiều sức ép khác nhau, do cổ đông nước ngoài gây áp lực nên họ phải yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ, chứ không phải tố cáo tôi. Tôi rất buồn, khi được cơ quan cảnh sát điều tra thông báo nội dung này, chính tôi là người đã yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra cho tôi làm việc với anh Long trong 5 phút để không xảy ra bất kỳ tranh chấp nào về hợp đồng này trước khi có lệnh khởi tố. Nhưng cơ quan điều tra không chấp nhận. Tôi cho rằng đây là thỏa thuận kinh tế dân sự, nếu phát sinh bất cứ mâu thuẫn nào đều có thể thỏa thuận bằng nguyên tắc dân sự. Tôi cho rằng không cần thiết phải hình sự hóa một quan hệ dân sự kinh tế thông thường, đây chỉ là vấn đề rất đơn giản, do có sai sót.

Trong bút lục hồ sơ vụ án có hai bản cung về việc này, tôi đều xác nhận có sai sót, sai phạm trong việc chuyển nhượng. Cụ thể, việc chuyển nhượng được thực hiện thành công khi chưa được Công ty ACBS chấp thuận là có sai phạm. Nhưng do thận trọng, lo lắng cho bạn bè, tôi đã không ghi rõ sai phạm ở đâu, như thế nào, do ai… cho đến phiên tòa sơ thẩm.

Tại tòa sơ thẩm, các luật sư đã yêu cầu tôi cho phép họ khai thác nội dung này như một vũ khí để bảo vệ tôi. Ba lần luật sư Ngọc yêu cầu tôi có ý kiến về việc này, nhưng tôi không chấp nhận vì như vậy có thể gây nguy hiểm cho anh Long, anh Dương và xã hội có thể nhìn nhận rằng khi tôi bị đẩy ra tòa, có thể phải chịu mức án rất nặng, tôi đã tố cáo ngược bạn bè. Hoặc “ông Kiên nói thế thôi nhưng thực tế là sẵn sàng thí bạn bè để bảo vệ mình”.

Tôi muốn nếu nói về nội dung này thì chỉ tôi được phép nói, vì nếu luật sư nói không chính xác, hoặc nói không đúng tinh thần của tôi sẽ làm hỏng đi mối quan hệ bạn bè của tôi với anh Long, anh Dương- mối quan hệ này được xây dựng rất nhiều năm và hàng trăm tỷ không mua được.

Có ai bị thiệt hại trong việc này không? Cá nhân tôi cho rằng Công ty ACBI bị thiệt hại, không phải Thép Hòa Phát. Việc cơ quan điều tra thu hồi 264 tỷ để trả cho Thép Hòa Phát thực chất là giúp cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát lần thứ hai chiếm đoạt thành công tài sản của ACBI. Tuy nhiên, tôi và Hòa Phát đều cho rằng chúng tôi bị “tai nạn” khi vụ việc này bị đưa ra tòa. Thiệt hại này nếu tòa yêu cầu tôi sẽ chứng minh, nhưng tôi cho rằng điều này không cần thiết.

Tôi khắc phục hậu quả hay ai khắc phục hậu quả? ACBI và tôi không thực hiện việc khắc phục hậu quả vì chúng tôi không gây ra hậu quả. Đây là việc tự ý của Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát và của cơ quan cảnh sát điều tra.

Tòa sau đó hỏi ông Trần Tuấn Dương : “Dù hợp đồng vừa ký xong, các ông đã đi đăng ký chủ sở hữu, làm việc nọ việc kia để thể hiện mình là chủ sở hữu số cổ phiếu đó ?”

+Tôi nghĩ cổ phiếu đã mua xong rồi... Tôi hoàn toàn không biết gì về việc này. Trong khoảng tháng 9, ACBS có thông báo gửi sang phản ứng rất mạnh, nói số cổ phiếu đó đang cầm cố thế chấp gì đó, nếu các ông chuyển nhượng là không đúng. Chúng tôi sau đó dừng việc ghi nhận cổ đông lại. Đến 2013 chúng tôi mua lại cổ phiếu này…

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho biết thêm: Việc ghi nhận cổ đông xảy ra vào ngày 27-6. Về báo cáo tài chính bán niên, chúng tôi có chỉ ra ngày 21-5 có việc mua bán đó. Về việc mua bán, chúng tôi nghĩ đó là việc mua bán bình thường thôi, không có vấn đề gì cả.

HĐXX vẫn đang xét hỏi về tội lừa đảo.

Đức Minh

Theo Plo.vn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,749

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn