Nguyên tắc sáp nhập hợp nhất tổ chức tín dụng từ 17/02/2025 (Hình từ Internet)
Ngày 31/12/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 62/2024/TT-NHNN quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục chấp nhận việc tổ chức lại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Theo quy định tại Điều 8 Thông tư 62/2024/TT-NHNN thì nguyên tắc sáp nhập hợp nhất tổ chức tín dụng bao gồm:
- Thực hiện theo thỏa thuận; bảo đảm hoạt động bình thường của tổ chức tín dụng; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, chủ nợ và các bên liên quan khác trong quá trình sáp nhập, hợp nhất.
- Tuân thủ quy định tại Thông tư 62/2024/TT-NHNN và quy định của pháp luật có liên quan.
- Bảo mật thông tin nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập, hợp nhất trước khi Đề án sáp nhập, hợp nhất được cấp có thẩm quyền quyết định của tổ chức tín dụng thông qua. Các hồ sơ tài liệu liên quan đến việc sáp nhập, hợp nhất tổ chức tín dụng phải đảm bảo nguyên tắc thận trọng, trung thực, chính xác, không gây hiểu nhầm.
- Nghiêm cấm việc tẩu tán tài sản dưới mọi hình thức. Việc chuyển nhượng, mua bán tài sản trong quá trình sáp nhập, hợp nhất phải đảm bảo công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật và thỏa thuận của các bên, đảm bảo an toàn tài sản và không ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập, hợp nhất, tổ chức và cá nhân liên quan đến việc sáp nhập, hợp nhất.
- Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng bị hợp nhất hết hiệu lực khi tổ chức tín dụng hợp nhất khai trương hoạt động. Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng bị sáp nhập hết hiệu lực kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước có văn bản sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng nhận sáp nhập.
Lưu ý:
- Sáp nhập tổ chức tín dụng là việc một hoặc một số tổ chức tín dụng (sau đây gọi là tổ chức tín dụng bị sáp nhập) chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang một tổ chức tín dụng khác (sau đây gọi là tổ chức tín dụng nhận sáp nhập), đồng thời chấm dứt sự tồn tại của tổ chức tín dụng bị sáp nhập.
- Hợp nhất tổ chức tín dụng là việc hai hoặc một số tổ chức tín dụng (sau đây gọi là tổ chức tín dụng bị hợp nhất) chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp để hình thành một tổ chức tín dụng mới (sau đây gọi là tổ chức tín dụng hợp nhất), đồng thời chấm dứt sự tồn tại của các tổ chức tín dụng bị hợp nhất.
(Theo khoản 1, 2 Điều 3 Thông tư 62/2024/TT-NHNN)
Theo đó, điều kiện sáp nhập, hợp nhất tổ chức tín dụng được quy định cụ thể tại Điều 9 Thông tư 62/2024/TT-NHNN bao gồm:
- Tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập, hợp nhất phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
+ Không thuộc trường hợp tập trung kinh tế bị cấm;
+ Có Đề án sáp nhập, hợp nhất theo quy định tại Điều 12 Thông tư 62/2024/TT-NHNN được cấp có thẩm quyền quyết định của các tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập, hợp nhất thông qua;
+ Vốn điều lệ của tổ chức tín dụng hợp nhất, tổ chức tín dụng sau sáp nhập tối thiểu bằng mức vốn pháp định của loại hình tổ chức tín dụng hợp nhất, tổ chức tín dụng sau sáp nhập theo quy định của pháp luật
- Sau khi sáp nhập, hợp nhất, tổ chức tín dụng sau sáp nhập, tổ chức tín dụng hợp nhất phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn, tỷ lệ phần vốn góp, sở hữu cổ phần.
Xem thêm tại Thông tư 62/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ 19/02/2025.
Kể từ ngày Thông tư 62/2024/TT-NHNN có hiệu lực thi hành, Thông tư 36/2015/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc tổ chức lại tổ chức tín dụng hết hiệu lực thi hành.