Thanh tra Công an nhân dân: Tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên chính từ 10/02/2025 (Hình từ internet)
Ngày 25/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 164/2024/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân.
Tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên chính trong hoạt động thanh tra Công an nhân dân được quy định tại Điều 16 Nghị định 164/2024/NĐ-CP như sau:
- Đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại Điều 39 Luật Thanh tra 2022, cụ thể như sau:
+ Được xếp loại cán bộ ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liên kề trước năm bổ nhiệm; không trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc xem xét xử lý kỷ luật;
+ Am hiểu pháp luật và công tác nghiệp vụ của ngành Công an; có kiến thức quản lý nhà nước; biết sử dụng tin học, ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu công tác hoặc biết tiếng dân tộc thiểu số đối với các vùng có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống;
+ Có bằng tốt nghiệp đại học Công an trở lên hoặc đại học ngành khác trở lên đã được bồi dưỡng nghiệp vụ Công an.
- Có bằng tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị, chính trị - hành chính trở lên hoặc có giấy xác nhận trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên của cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
- Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên chính.
- Trong thời gian giữ ngạch thanh tra viên và tương đương đã trực tiếp tham mưu có kết quả một trong những công việc sau: sơ kết, tổng kết chuyên đề; chủ trì hoặc tham gia xây dựng ít nhất 01 văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp cơ sở trở lên về công tác công an hoặc công tác thanh tra; chủ biên hoặc tham gia biên soạn, thẩm định tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ công an hoặc nghiệp vụ thanh tra.
- Có thời gian giữ ngạch thanh tra viên hoặc tương đương tối thiểu 09 năm hoặc đã có thời gian giữ ngạch chức danh trung cấp hoặc tương đương. Đối với cán bộ có cấp bậc hàm Đại úy trở lên thì phải có thời gian giữ ngạch thanh tra viên tối thiểu là 01 năm.
Đương nhiên miễn nhiệm các ngạch thanh tra viên trong các trường hợp sau đây:
- Nghỉ hưu, xuất ngũ, chuyển ngành, chuyển vị trí việc làm hoặc công tác khác;
- Bị kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu Công an nhân dân;
- Bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật;
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định miễn nhiệm thanh tra viên trong các trường hợp sau đây:
- Vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do khác mà không thể bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao;
- Thực hiện hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 8 Luật Thanh tra 2022;
- Có hành vi gian lận hoặc kê khai không trung thực trong hồ sơ bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra viên;
- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
(Khoản 1, 2 Điều 18 Nghị định 164/2024/NĐ-CP)
Cơ quan thanh tra Công an nhân dân gồm:
- Thanh tra Bộ Công an (sau đây gọi tắt là Thanh tra Bộ);
- Thanh tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Thanh tra Công an tỉnh);
- Thanh tra Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Thanh tra Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (sau đây gọi tắt là Thanh tra Cục).
Công an huyện, thị xã, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và Công an các đơn vị có quân số từ 200 cán bộ, chiến sĩ trở lên, bố trí cán bộ thanh tra chuyên trách; Công an các đơn vị có quân số dưới 200 cán bộ, chiến sĩ, bố trí cán bộ thanh tra kiêm nhiệm.
Số lượng cán bộ thanh tra chuyên trách, cán bộ thanh tra kiêm nhiệm tại các đơn vị do Thủ trưởng đơn vị quyết định.
(Điều 7 Nghị định 164/2024/NĐ-CP)