Điện thoại Android thì xác thực sinh trắc học ngân hàng thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
09/12/2024 10:45 AM

Để đảm bảo giao dịch ngân hàng được thực hiện suôn sẻ theo quy định mới, khách hàng có thể tham khảo bài viết dưới đây về cách xác thực sinh trắc học ngân hàng.

Điện thoại Android thì xác thực sinh trắc học ngân hàng thế nào? (Hình từ internet)

1. Điện thoại Android thì xác thực sinh trắc học ngân hàng thế nào?

Để xác thực sinh trắc học trên điện thoại cá nhân phải có CCCD gắn chip hoặc thẻ Căn cước, đồng thời điện thoại phải được hỗ trợ đầu đọc chip NFC.

Theo đó, để xác thực sinh trắc học ngân hàng đối với điện thoại sử dụng hệ điều hành Android, cá nhân thực hiện như sau: 

(1) Trường hợp điện thoại đã hỗ trợ đầu đọc chip NFC 

Hiện nay, các điện thoại sử dụng hệ điều hành Android phân khúc tầm trung trở lên được sản xuất từ năm 2018 đều có trang bị đầu đọc chip NFC.

Theo đó, để xác thực sinh trắc học ngân hàng, cá nhân cần kiểm tra xem chế độ đọc chip NFC đã được mở hay chưa theo các bước sau:

Bước 1: Vào “cài đặt” chọn “tìm kiếm”

Bước 2: Tại thanh tìm kiếm nhập “NFC”

Bước 3: Chọn kết quả liên quan đến kết nối NFC sau đó bấm bật NFC.

Tiếp theo, cá nhân cần xác định vị trí đọc chip NFC của từng dòng điện thoại.

Do tính đa dạng của các thương hiệu và các dòng điện thoại thuộc hệ điều hành Android, vị trí đầu đọc chip NFC cũng khác nhau. Thời gian chờ để thiết bị kích hoạt và nhận tín hiệu từ chip trung bình từ 1-2 giây.

Ngoài ra, cá nhân chú ý để tăng xác suất thành công cho việc quét chip, cần bảo đảm vị trí đọc chip của điện thoại song song với thẻ NFC, khoảng cách dưới 3cm là tối ưu. Không rung lắc điện thoại khi quét chip, tháo ốp lưng sẽ cho hiệu quả tốt hơn. Lau sạch bề mặt con chip để tăng tốc độ quét chip.

(2) Trường hợp điện thoại không hỗ trợ đầu đọc chip NFC 

Đối với khách hàng có CCCD gắn chíp nhưng sử dụng điện thoại không hỗ trợ NFC, biện pháp xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng đối với giao dịch loại C, D quy định tại Điều 1 Quyết định 2345/QĐ-NHNN được thực hiện bằng các cách sau:

- Thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử (VNeID) của khách hàng do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập;

- Hoặc khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong Cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng đã thu thập và kiểm tra. Việc kiểm tra thực hiện như sau:

+ Khớp đúng giữa dữ liệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng với dữ liệu sinh trắc học trong chip của thẻ CCCD của khách hàng thực hiện tại quầy giao dịch, thông qua thiết bị/điện thoại đọc CCCD gắn chíp của đơn vị;

+ Hoặc khớp đúng giữa dữ liệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.

Trường hợp khách hàng không thể xác thực sinh trắc học ngân hàng bằng 02 cách trên thì có thể đến trực tiếp các phòng giao dịch ngân hàng để được hỗ trợ.

Xem thêm: 04 trường hợp phải xác thực sinh trắc học tại ngân hàng nếu muốn chuyển khoản từ 2025

Xem thêm: Xác thực sinh trắc học ngân hàng: Không có CCCD gắn chip có làm được không?

2. Từ 01/01/2025, không cập nhật sinh trắc học sẽ bị dừng toàn bộ giao dịch trực tuyến

Theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, về triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, từ ngày 01/7/2024, giao dịch trực tuyến chuyển tiền từ 10 triệu đồng trở lên mỗi lần hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày vượt quá 20 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học.

Tuy nhiên, theo Thông tư 17/2024/TT-NHNN và Thông tư 18/2024/TT-NHNN thì từ 01/01/2025, nếu không thực hiện xác thực thông tin sinh trắc học thì sẽ sẽ bị dừng toàn bộ các giao dịch trực tuyến.

Cụ thể, căn cứ theo điểm c, khoản 5 Điều 17 Thông tư 17/2024/TT-NHNN, khách hàng chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán khi đã hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản hoặc người đại diện (đối với khách hàng cá nhân) hoặc người đại diện hợp pháp (đối với khách hàng tổ chức) với:

(i) Dữ liệu sinh trắc học được lưu trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước của người đó đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của người đó do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập; hoặc

(ii) Dữ liệu sinh trắc học được thu thập thông qua gặp mặt trực tiếp người đó đối với trường hợp là người nước ngoài không sử dụng danh tính điện tử, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; hoặc

(iii) Dữ liệu sinh trắc học đã được thu thập và kiểm tra (đảm bảo sự khớp đúng giữa dữ liệu sinh trắc học của người đó với dữ liệu sinh trắc học trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc với dữ liệu sinh trắc học của người đó thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập); hoặc

(iv) Dữ liệu sinh trắc học của người đó được lưu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong trường hợp sử dụng thẻ căn cước công dân không có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa;

Đồng thời, khoản 6 Điều 16 Thông tư 18/2024/TT-NHNN cũng nêu rõ thẻ ngân hàng chỉ được sử dụng để thực hiện giao dịch thẻ bằng phương tiện điện tử khi đã hoàn thành việc đối chiếu đảm bảo khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ thẻ với:

- Dữ liệu sinh trắc học được lưu trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của người đó do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập; hoặc

- Dữ liệu sinh trắc học đã được thu thập và kiểm tra (đảm bảo sự khớp đúng giữa dữ liệu sinh trắc học của người đó với dữ liệu sinh trắc học trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc với dữ liệu sinh trắc học của người đó thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập); hoặc

- Dữ liệu sinh trắc học được thu thập thông qua gặp mặt trực tiếp người đó đối với trường hợp là người nước ngoài không sử dụng danh tính điện tử, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; hoặc

- Dữ liệu sinh trắc học của người đó được lưu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong trường hợp sử dụng thẻ căn cước công dân không có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa.

Như vậy, hiện nay, khách hàng phải xác thực sinh trắc học nếu muốn thực hiện giao dịch từ 10 triệu đồng trở lên. Đồng thời, trước 01/01/2025 khách hàng nên hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học để có thể thực hiện giao dịch trực tuyến (tức không được rút tiền hoặc chuyển khoản).

Nếu từ 01/01/2025, khách hàng không hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học sẽ bị dừng toàn bộ giao dịch trực tuyến. 

Lưu ý: Chỉ tạm dừng rút tiền tại ATM bằng phương thức điện tử (ví dụ rút bằng mã QR,...), còn rút tiền bằng thẻ vật lý vẫn được phép.

 

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,760

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]