27/09/2011 11:51 AM

Trong 2 ngày 25-26/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 9/2011.


Sau khi nghe báo cáo, thảo luận và quyết nghị về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2011, tình hình thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, công tác cải cách hành chính, tình hình nguyên nhân lạm phát và các giải pháp ứng phó, dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020…
Chính phủ thống nhất đánh giá, nhìn chung 9 tháng đầu năm 2011 nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đạt được những kết quả tích cực bước đầu. Tuy nhiên, lạm phát vẫn ở mức cao và kéo dài do nguyên nhân chủ yếu là cầu kéo, do người dân chưa tin tưởng vào VNĐ, khả năng kiềm chế lạm phát…

Để giải quyết cơ bản vấn đề lạm phát trong thời gian tới, cần phải tiếp tục kết hợp các giải pháp trước mắt và lâu dài: điều hành tiền tệ và chính sách tài khóa theo hướng chặt chẽ, kiểm soát tỷ giá, kiên quyết không để “đôla hóa” thị trường, tín dụng hợp lý, cắt giảm đầu tư công, kiểm soát thị trường, tái cấu trúc nền kinh tế, kiểm soát tổng cầu và tổng cung tiền tệ cho nền kinh tế vào những lĩnh vực có lợi nhất cho xã hội…
Buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ.
Buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ.
Chiều qua (26/9), Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, tinh thần của Chính phủ và Thủ tướng nhìn nhận thẳng thắn mọi vấn đề để đánh giá đúng “không tô hồng, không bôi đen” tình hình. Trong 9 tháng, tình hình KT-XH đạt được kết quả tích cực. Nếu tốc độ GDP quý IV bằng quý III (6,11%) thì GDP cả năm có thể là 6% dù “không có nghĩa dễ dàng đạt 6%”.

Tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,82% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm và là lần thứ hai liên tiếp mức tăng chỉ số giá tiêu dùng dưới 1%. Lạm phát cơ bản loại trừ nhóm lương thực, thực phẩm và nhóm năng lượng. Nhập siêu khoảng 1 tỷ USD (bằng 12% kim ngạch xuất khẩu), lãi suất ngân hàng đang từng bước được điều chỉnh giảm, bội chi ngân sách giảm dần…

Đầu tư công có xu hướng giảm, nhưng vẫn đảm bảo để các dòng vốn khác vào được. Năm 2011, Quốc hội cho phát hành 45.000 tỷ trái phiếu Chính phủ nhưng theo thống kê sơ bộ, nhu cầu hiện là 500.000 - 600.000 tỷ nên phải xem xét lại các dự án đầu tư, xác định các dự án ưu tiên để cấp trái phiếu.

Bộ trưởng Đam khẳng định, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh theo đúng lộ trình đã quy định để cơ bản tiệm cận với giá thị trường, không vì lạm phát mà tiếp tục bao cấp, không thể bù lỗ tràn lan vì bù giá cũng là một nguyên nhân sâu xa của lạm phát.

Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành xây dựng đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo hướng tập trung đầu tư vào lĩnh vực chính, đồng thời thực hiện việc thoái vốn đã đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành nghề chính, nhất là ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.

Đặc biệt, Chính phủ thống nhất thực hiện mực tiêu năm 2012 và kế hoạch 5 năm 2011-2015, trong những năm đầu tập trung cho nhiệm vụ ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tằng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng hợp lý, trong đó kiềm chế lạm phát là ưu tiên số 1, khi có điều kiện thuận lợi sẽ phấn đấu để đạt mức tăng trưởng cao hơn.

Điều quan trọng là giai đoạn 5 năm này phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô để  tạo ra được những tiền đề vững chắc cho tăng trưởng nhanh và bền vững hơn trong giai đoạn 5 năm 2016-2020, phấn đấu hoàn thành Chiến lược 10 năm 2011-20120.

Huy Anh

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,644

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn