Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi): Bước thụt lùi về quyền lợi NLĐ

16/06/2014 08:49 AM

Hôm nay (16.6), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Những vấn đề đặc biệt “nóng” trong dự thảo là quy định về kéo dài tuổi nghỉ hưu đồng thời giảm mức hưởng trợ cấp hưu trí của người lao động (NLĐ) đã bị phản ứng từ nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội và dư luận. BHXH sinh ra để phục vụ lợi ích NLĐ, thế nhưng các quy định này lại là bước thụt lùi về quyền lợi của họ.

Hàng loạt quy định bất lợi cho NLĐ

Theo quy định tại khoản 1, Điều 187 Bộ luật LĐ 2012 (có hiệu lực từ 1.5.2013) thì tuổi nghỉ hưu của NLĐ với nam là 60, nữ là 55. Còn theo dự thảo Luật BHXH, từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của NLĐ là cán bộ, công chức, viên chức, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam và từ năm 2020 trở đi, các NLĐ khác cũng áp dụng quy định này. Như vậy, quy định tại dự thảo Luật BHXH “vênh” với quy định tại Bộ luật LĐ, gây bức xúc trong CNLĐ, nhất là những ngành như dệt may, da giày, caosu. 

Chị Nguyễn Thị Tuyết - CN TCty Caosu Đồng Nai - bức xúc: “Hiện Nhà nước quy định, tuổi nghỉ hưu với nữ CN ngành caosu là 50. Thế mà nhiều người không “kịp” nghỉ hưu vì không đủ sức khỏe làm việc đến 50 tuổi. Kéo dài nữa thì chết à!”. Ông Phan Mạnh Hùng - Chủ tịch CĐ Caosu Việt Nam - cho biết, hàng chục ngàn CNLĐ ngành caosu, nhất là CN trực tiếp cạo mủ, đến 40 tuổi là mắt mờ, không thể cạo mủ được nữa. Vì thế, họ rất “choáng” khi nghe tin phải kéo dài độ tuổi làm việc. 

Đề nghị cần có quy định đặc biệt với CN những ngành nghề nặng nhọc, độc hại và không nên kéo dài tuổi nghỉ hưu của CNLĐ. Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung - CN một Cty may ở Tiền Giang - thì đốp chát: “Nhiều người làm chính sách chỉ ngồi phòng máy lạnh “vẽ” ra quy định. Thử mời họ ngồi may một tháng xem họ thích nghỉ hưu ở tuổi nào!”.

Theo khoản 2, Điều 89 dự thảo Luật BHXH, thì đến 1.1.2018, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác ghi trên HĐLĐ theo pháp luật LĐ. Có nghĩa là 3 năm nữa, khoản 2 Điều 89 này mới được thực thi theo quy định tại khoản 1, Điều 90 Bộ luật LĐ đã có hiệu lực và thiệt thòi chắc chắn lại dồn lên CNLĐ.


Người lao động Cty CP Trường Thịnh (huyện Củ Chi, TPHCM) bức xúc khiếu nại, họ bị trốn đóng BHXH từ nhiều năm qua, trong khi vẫn bị DN trừ lương hàng tháng để đóng BHXH. Ảnh: N.D 

Chưa hết, theo dự thảo Luật BHXH thì từ năm 2016, số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2016 là 16 năm. Con số này tăng dần từng năm cho đến năm 2020 trở đi là 20 năm. Và theo khoản 3, Điều 55 dự thảo Luật BHXH, thì sau này, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định, thì mức lương bị trừ 2% mỗi năm (hiện là 1%). Về điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng LĐ, dự thảo Luật BHXH tăng điều kiện hưởng để giảm bớt số người về hưu trước tuổi...

Quản lý tốt không thể vỡ quỹ trong tương lai gần

Nguyên nhân chính mà cơ quan soạn thảo luật đưa ra các quy định trên là nhằm bảo đảm không để vỡ quỹ BHXH trong tương lai gần. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc phòng, chống vỡ quỹ có nhiều giải pháp kỹ thuật, chứ không nhất thiết phải cắt giảm quyền lợi của NLĐ. Đầu tiên là việc quản lý số người tham gia BHXH. Theo Tổng cục Thống kê, thì số LĐ đang làm việc tại các DN khoảng 18 triệu người, nhưng số người được tham gia BHXH bắt buộc mới chỉ có 10,6 triệu người.

Như vậy, có ít nhất khoảng 7,4 triệu người không được tham gia BHXH. Thứ hai, là mức đóng BHXH. Theo khảo sát của Bộ LĐTBXH, thì tiền lương đóng BHXH hiện nay mới bằng 66% mức thu nhập thực tế của NLĐ. Thứ ba, tình trạng trốn đóng BHXH đã trở thành “đại dịch”, hiện đã lên tới gần 10.000 tỉ đồng, nếu kể thêm BHYT thì trên 12.450 tỉ đồng. Thứ tư, việc quản lý quỹ còn nhiều vấn đề (chi phí quản lý quỹ cao, và được lấy từ chính nguồn tiền đóng BHXH; hiệu quả đầu tư sinh lời của quỹ thấp, mất vốn khi cho vay...). Như vậy, chỉ cần giải quyết hiệu quả, triệt để 4 vấn đề trên thì không thể vỡ quỹ trong tương lai gần như lo ngại của ban soạn thảo.

Chính từ những bất cập nói trên của dự thảo Luật BHXH, mà trong phiên thảo luận tại tổ ngày 29.5, nhiều đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn “phê bình”. Đại biểu Ngô Ngọc Bình cho rằng: “Đọc dự thảo này hình như mất nhiều hơn được. Đừng để xảy ra cảnh phú quý giật lùi như vậy”. Còn đại biểu Nguyễn Văn Hưng thì nhận xét: “Rất tiếc, dự thảo Luật BHXH lần này đi ngược lại kết luận của Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) và đi ngược lại tinh thần hiến pháp vừa ban hành”. Còn tuyệt đại đa số CNLĐ mà chúng tôi tiếp xúc, đều cho rằng: Luật BHXH là nhằm bảo đảm an sinh xã hội, để cho NLĐ bớt khổ. Thế nhưng, dự thảo này lại “đẩy” NLĐ vào chỗ khốn khó hơn! 

Nam Dương – Đăng Hải

Theo Lao động

Ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Bảo hiểm xã hội

*ĐBQH Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình): Điều 187 của Bộ luật LĐ đã quy định nâng tuổi nghỉ hưu đối với NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, NLĐ làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác. Đồng thời cho phép điều chỉnh giảm tuổi nghỉ hưu đối với một số nhóm đối tượng ở một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… Vì vậy, để đảm bảo thống nhất với Bộ luật LĐ và phù hợp với điều kiện thực tế, tôi đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc lại quy định này, đặc biệt là cần có báo cáo đánh giá tác động toàn diện về kinh tế, xã hội, tài chính, có số liệu chính xác về số người hưởng hưu trí tăng dần, sự thay đổi tỉ lệ LĐ với số người phụ thuộc, dự báo về thị trường việc làm, việc bảo toàn và tăng trưởng của Quỹ BHXH trong 10-20 năm tới để làm cơ sở cho việc xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.
* ĐBQH Trương Văn Vở (Đồng Nai): Vỡ quỹ BHXH hay không là do quản lý chứ không phải do người đóng, không phải lo người hưởng nhiều là vỡ quỹ. Cách tính này là không đúng, khi mà chi phí cho đội ngũ làm bảo hiểm là quá lớn. Lý do vỡ quỹ để sửa luật là không phù hợp, việc nâng tuổi cũng không phù hợp. Luật phải xây dựng để khắc phục được tình trạng nợ đọng bảo hiểm như bây giờ. Vì thế, nguyên tắc đóng BHXH, theo tôi là có đóng có hưởng. Gốc rễ là phải xử lý kiên quyết người sử dụng LĐ không hỗ trợ NLĐ đóng BHXH chứ không liên quan đến độ tuổi. Tôi hoàn toàn nhất trí việc không tăng tuổi nghỉ hưu cho NLĐ, đồng thời có phương án cụ thể để “cứu” quỹ BHXH, tránh tình trạng thất thu, tồn hay nợ đọng của quỹ.
* ĐBQH Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long): Tôi đồng ý quan điểm là nên tuân thủ theo Luật LĐ. Thế giới đang phấn đấu giảm tuổi nghỉ hưu, trong khi ta lại đề xướng tăng? Phần đông những LĐ nặng nhọc chỉ muốn rút ngắn tuổi hưu, càng sớm càng tốt, vì thế cần theo nguyên tắc đóng tự nguyện và có sự linh hoạt. Cần xây dựng lộ trình cụ thể nhằm tăng tuổi nghỉ hưu, để đến khi dân số già thì tăng tuổi hưu là phù hợp, còn hiện nay thì chưa. Song song với đó là cần tối ưu hóa quỹ BHXH, khắc phục tối đa chi tiêu. Vì chi tiêu quản lý không tốt nên một mặt thất thu khi quỹ vốn đã bé, mặt khác lại không đảm bảo tối ưu trong quản lý chi tiêu. Bản thân quỹ nuôi bộ máy ngành BHXH lớn quá thì vai trò của nó đối với xã hội lại bé đi. Dương Hà (ghi)

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,862

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn