Hướng dẫn thực hiện Báo cáo Công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 8/2024 (Hình từ Internet)
Ngày 04/10/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn 7186/VPCP-QHĐP thực hiện Báo cáo Công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 8/2024.
Theo đó, để triển khai thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Văn bản 941/KL-TTKQH năm 2024 và Báo cáo Công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 8/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Văn bản 939/BC-UBTVQH15 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo được quy định cụ thể trong Công văn 7186/VPCP-QHĐP năm 2024 như sau:
(1) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (Yagi) tập trung khắc phục hậu quả bão lũ, sớm ổn định sản xuất và đời sống của người dân bị ảnh hưởng; chủ động kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các công trình giao thông, đê điều, lưới điện để đảm bảo an toàn cho nhân dân, trong đó tập trung khắc phục hệ thống điện, viễn thông, các cơ sở giáo dục, y tế; chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, kiên quyết xử lý người đưa tin thất thiệt, ngăn chặn các hành vi trục lợi trong lúc thiên tai.
Có chính sách, giải pháp để hạn chế thiệt hại đối với người dân trong việc phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do tác động của lũ ống, lũ quét tại các địa phương miền núi.
(2) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát toàn bộ các cơ sở trợ giúp xã hội, công lập và ngoài công lập có thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, đặc biệt là các cơ sở trông giữ trẻ em từ thiện, tự phát trên địa bàn, bảo đảm việc tuân thủ các quy định của Luật Trẻ em 2016 và các quy định pháp luật có liên quan về quy trình tiếp nhận, chăm sóc; tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động; công tác tiếp nhận, quản lý các nguồn vận động xã hội…
Tổ chức kiểm tra, kiểm soát, phòng ngừa các hành vi bạo hành và xâm hại trẻ em, xử lý kịp thời, nghiêm minh các cơ sở hoạt động không đăng ký, tự phát, không được cấp giấy phép hoặc không bảo đảm các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật.
(3) Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo công an các địa phương thực hiện nghiêm việc xử lý, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em; chú trọng mở rộng các nguồn tin báo tố giác tội phạm từ các cơ quan báo chí, người dân, cơ quan, tổ chức để xác minh, điều tra, xử lý kịp thời; thông tin kịp thời kết quả giải quyết các vụ việc này đến các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là phương tiện truyền thông ở cấp cơ sở, nhất là các thủ đoạn mới của các loại tội phạm này để nâng cao khả năng phòng, ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm bạo hành và xâm hại trẻ em.
(4) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác minh, làm rõ thông tin về việc nghệ sĩ chụp ảnh, quay clip có hình ảnh lá cờ chế độ cũ và xử lý nghiêm nếu có vi phạm. Chỉ đạo các Hội nghề nghiệp trong việc giáo dục đạo đức, lối sống và trách nhiệm trong việc giữ gìn hình ảnh, lòng tự tin dân tộc.
(5) Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân các tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Sóc Trăng, Thái Nguyên khẩn trương rà soát, giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người.
(6) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Cần Thơ, Hà Tĩnh, Nam Định và Bình Dương tổ chức tiếp, đối thoại các công dân, ban hành văn bản giải quyết (nếu còn thẩm quyền) hoặc tổ chức rà soát, rà soát lại (nếu có căn cứ) để giải quyết dứt điểm vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự (tại Phụ lục 3 của Báo cáo số 939 nêu trên).
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan và địa phương biết, thực hiện.
Xem thêm Công văn 7186/VPCP-QHĐP ban hành ngày 04/10/2024.