Hướng dẫn hoàn trả doanh thu thu tiền sử dụng đường bộ từ 01/10/2024 (Hình từ Internet)
Ngày 30/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 119/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ.
Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 119/2024/NĐ-CP thì việc hoàn trả doanh thu thu tiền sử dụng đường bộ như sau:
- Trên cơ sở số liệu đã thống nhất sau khi thực hiện đối soát doanh thu thu tiền sử dụng đường bộ hằng ngày, Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ chuyển toàn bộ số tiền thu tiền sử dụng đường bộ (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng) theo đối soát tại mỗi trạm thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng cho Đơn vị quản lý thu sau khi trừ đi chi phí tổ chức, quản lý, giám sát thu tiền sử dụng đường bộ.
Thời gian chuyển trả theo quy định tại hợp đồng dịch vụ thu giữa Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ và đơn vị quản lý thu nhưng không vượt quá 48 giờ kể từ thời điểm chốt số liệu. Trường hợp vào các ngày lễ, ngày nghỉ mà hệ thống ngân hàng nghỉ làm việc không thực hiện được việc chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng thì sẽ chuyển vào ngày làm việc kế tiếp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
- Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ có trách nhiệm xây dựng quy trình thực hiện giao dịch thu tiền sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng; kê khai và nộp các loại thuế trên phần chi phí tổ chức, quản lý, giám sát thu tiền sử dụng đường bộ được hưởng theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện bao gồm:
- Tiền sử dụng đường bộ bao gồm tiền dịch vụ sử dụng đường bộ theo pháp luật về giá và phí sử dụng đường cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác;
- Phí, giá, tiền dịch vụ khác liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện.
(Theo khoản 4 Điều 3 Nghị định 119/2024/NĐ-CP)
Các nguyên tắc trong hoạt động giao thông đường bộ được quy định cụ thể tại Điều 4 Luật giao thông đường bộ 2008 bao gồm:
- Hoạt động giao thông đường bộ phải bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.
- Phát triển giao thông đường bộ theo quy hoạch, từng bước hiện đại và đồng bộ; gắn kết phương thức vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác.
- Quản lý hoạt động giao thông đường bộ được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cụ thể, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp.
- Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
- Mọi hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Xem thêm Nghị định 119/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/10/2024.