04 chính sách nổi bật trong xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
26/09/2024 15:59 PM

Dưới đây là nội dung về 04 chính sách nổi bật trong xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

04 chính sách nổi bật trong xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân

04 chính sách nổi bật trong xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân (Hình từ internet)

04 chính sách nổi bật trong xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Cụ thể, tại tờ trình đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đã nêu việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân của nước ta, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân cho các tổ chức, cá nhân trong nước tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực; đẩy mạnh sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Trong đó, tờ trình cũng đã nêu 04 chính sách nổi bật trong xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân như sau:

(1) Chính sách 1: thống nhất quy định pháp luật về các thuật ngữ pháp lý liên quan tới dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân

* Mục tiêu của chính sách

Áp dụng thống nhất thuật ngữ, quy định, nội hàm, phạm vi, nội dung, trách nhiệm về dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân, tiến tới hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

* Nội dung của chính sách

- Xây dựng, áp dụng thống nhất khái niệm về “dữ liệu cá nhân”.

- Xác định các căn cứ, nội hàm của dữ liệu cá nhân.

- Phân loại dữ liệu cá nhân.

- Xác định các trường thông tin của từng loại dữ liệu cá nhân.

* Giải pháp thực hiện chính sách đã được lựa chọn và lý do lựa chọn

Giải pháp thực hiện chính sách: Xây dựng khái niệm, nội hàm, phân loại, xác định các trường thông tin cụ thể của từng loại dữ liệu cá nhân.

Lý do: Giải pháp này sẽ giúp thống nhất nhận thức và quy định của pháp luật về dữ liệu cá nhân; giúp các tổ chức, cá nhân có thể chủ động xác định nội hàm, phạm vi, loại dữ liệu, từ đó thống nhất cách áp dụng và bảo vệ trong thực tiễn, tăng cường công tác quản lý nhà nước, tiết kiệm chi phí bảo vệ.

(2) Chính sách 2: Quy định cụ thể các quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu

* Mục tiêu của chính sách

Giúp chủ thể dữ liệu nhận biết được mình có quyền và nghĩa vụ gì trong bảo vệ dữ liệu cá nhân, từ đó có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân hoặc phản ứng trước dữ liệu cá nhân của mình bị xâm phạm, gắn trách nhiệm tự bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình trước khi đề nghị cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân bảo vệ.

* Nội dung của chính sách

- Quy định cụ thể các quyền của chủ thể dữ liệu, gồm: Quyền được biết; Quyền đồng ý; Quyền truy cập; Quyền rút lại sự đồng ý; Quyền xóa dữ liệu; Quyền hạn chế xử lý dữ liệu; Quyền cung cấp dữ liệu; Quyền phản đối xử lý dữ liệu; Quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện; Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại; Quyền tự bảo vệ.

- Quy định cụ thể nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu: Tự bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình; Yêu cầu các tổ chức, cá nhân khác có liên quan bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình; Tôn trọng, bảo vệ dữ liệu cá nhân của người khác; Cung cấp đầy đủ, chính xác dữ liệu cá nhân khi đồng ý cho phép xử lý dữ liệu cá nhân; Tham gia tuyên truyền, phổ biến kỹ năng bảo vệ dữ liệu cá nhân; Thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân và tham gia phòng, chống các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

* Giải pháp thực hiện chính sách đã được lựa chọn và lý do lựa chọn

Giải pháp thực hiện chính sách: Quy định cụ thể các quyền và nghĩa vụ.

Lý do: Giải pháp này sẽ giúp chủ thể dữ liệu nhận biết được mình có quyền và nghĩa vụ gì trong bảo vệ dữ liệu cá nhân, từ đó có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân hoặc phản ứng trước dữ liệu cá nhân của mình bị xâm phạm, gắn trách nhiệm tự bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình trước khi đề nghị cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân bảo vệ.

(3) Chính sách 3: Hoàn thiện quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình xử lý dữ liệu

* Mục tiêu của chính sách

- Quy định cụ thể những nội dung, chính sách, biện pháp cần áp dụng để bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình xử lý dữ liệu.

- Nhằm kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu trong hoạt động kinh tế, xã hội.

- Xác định đầy đủ trách nhiệm cần thực hiện cho các tổ chức, cá nhân bao gồm các điều kiện tuân thủ và thực hiện thủ tục hành chính.

* Nội dung của chính sách

- Quy định cụ thể về sự đồng ý của chủ thể dữ liệu; rút lại sự đồng ý; thông báo xử lý dữ liệu cá nhân; Cung cấp dữ liệu cá nhân; Chỉnh sửa dữ liệu cá nhân; Lưu trữ, xóa, hủy dữ liệu cá nhân.

- Quy định cụ thể về Xử lý dữ liệu cá nhân trong trường hợp không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu; Xử lý dữ liệu cá nhân thu được từ hoạt động ghi âm, ghi hình tại nơi công cộng; Xử lý dữ liệu cá nhân của người bị tuyên bố mất tích, đã chết; Xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em.

* Giải pháp thực hiện chính sách đã được lựa chọn và lý do lựa chọn

Giải pháp thực hiện chính sách: Quy định đầy đủ các hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình xử lý.

Lý do: Giải pháp này sẽ giúp các tổ chức, cá nhân xác định rõ trường hợp, nội dung, quy trình, quy định, các biện pháp, thủ tục cần áp dụng để bảo vệ dữ liệu cá nhân; bảo vệ và nâng cao hơn quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu trước tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân tràn lan như hiện nay; bảo đảm điều kiện giúp các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xử lý dữ liệu cá nhân, hạn chế nguy cơ bị tấn công mạng, lộ, mất dữ liệu cá nhân; cụ thể hóa cam kết quốc tế của Việt Nam trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

(4) Chính sách 4: Hoàn thiện quy định bảo đảm các điều kiện, biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân

* Mục tiêu của chính sách

- Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân.

- Nhằm kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu trước các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân

- Phân công nhiệm vụ đầy đủ và phù hợp cho các cơ quan tham gia công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân.

* Nội dung của chính sách

- Quy định cụ thể về biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân; bảo vệ dữ liệu cá nhân cơ bản; bảo vệ dữ liệu cá nhân nhạy cảm; tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu cá nhân.

- Quy định về cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân và Cổng thông tin quốc gia về bảo vệ dữ liệu cá nhân; lực lượng bảo vệ dữ liệu cá nhân, gồm: lực lượng chuyên trách, lực lượng tham gia bảo vệ dữ liệu cá nhân (bộ phận bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhân sự bảo vệ dữ liệu cá nhân).

- Quy định về điều kiện bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với các tổ chức kinh doanh dịch vụ xử lý dữ liệu cá nhân; dịch vụ cung cấp tổ chức, nhân sự bảo vệ dữ liệu cá nhân (DPO).

- Quy định về thực hiện thủ tục hành chính liên quan tới bảo vệ dữ liệu cá nhân, gồm: Thông báo vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân; Chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài.

- Quy định các điều kiện bảo đảm hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân, như nguồn lực, kinh phí, trang thiết bị.

* Giải pháp thực hiện chính sách đã được lựa chọn và lý do lựa chọn

Giải pháp thực hiện chính sách: hoàn thiện quy định bảo đảm các điều kiện, biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Lý do: Giải pháp này sẽ giúp tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo vệ và nâng cao hơn quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu trước tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân tràn lan như hiện nay; tạo hành lang pháp lý giúp cơ quan chức năng thực hiện hiệu quả hơn công tác phòng ngữa đấu tranh với các hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; cụ thể hóa cam kết quốc tế của Việt Nam trong thực hiện về quyền con người, quyền công dân, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Xem chi tiết các quy định được đề xuất tại dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,098

Bài viết về

lĩnh vực Công nghệ thông tin

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]