Tải App trên Android

Trung Quốc đã điều 80 tàu ra tranh chấp với phía Việt Nam

07/05/2014 17:23 PM

16 giờ chiều nay, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo quốc tế về việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam.

Ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao cho biết, ngay sau khi có tin Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào vùng thềm lục địa VN, chúng ta đã có 8 cuộc làm việc với Trung Quốc, 6 cuộc gặp trực tiếp tại Hà Nội và Bắc Kinh. Trong các cuộc làm việc này, Việt Nam đã khẳng định Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng tuyên bố DOC, Việt Nam kiên quyết phản đối các việc làm này của Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao đã triệu Đại biện sứ quán Trung Quốc lên trao công hàm phản đối, yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan và tàu hộ vệ khỏi vùng biển Việt Nam.

Ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh cảnh sát biển cho biết, Trung Quốc đã đưa đến hiện trường 80 tàu các loại tham gia bảo vệ, phục vụ hoạt động giàn khoan HD 981, trong đó có 7 tàu quân sự đã nắm và ghi rõ số hiệu 2 tàu, tàu hộ vệ tên lửa 534, tàu tấn công nhanh 733 cùng các tàu hải giám, hải cảnh, ngư chính, tàu cá, tàu phục vụ khác.

Ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển - Ảnh: Lê Quân

Dùng máy bay hỗ trợ tàu để đâm thẳng vào tàu Việt Nam

Hành động của Trung Quốc trên thực địa, khi các tàu của Việt Nam ra tiến hành kiểm tra, ngăn chặn hoạt động trái phép của giàn khoan, tàu Trung Quốc với sự hỗ trợ của máy bay đâm thẳng vào tàu Việt Nam, dùng vòi rồng công suất lớn nhắm thẳng vào tàu Việt Nam, khiến tàu bị hư hỏng thiết bị, gây thương tích cho các kiểm ngư viên.

8 giờ 10 phút ngày 3.5, tàu hải cảnh 044 đã chủ động đâm thẳng vào mạn phải tàu cảnh sát biển 4033, cách vị trí giàn khoan khoảng 10 hải lý, làm hư hỏng máy phải và trang thiết bị, rách 1 vết dài 3m rộng 1m. 8 giờ 3 phút ngày 4.5, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm thẳng vào tàu CSB 2012, do tàu 2012 tăng tốc vòng tránh nên vết đâm rộng 1m.

Ngoài các tàu cảnh sát biển bị các tàu Trung Quốc chủ động đâm vào, thì Trung Quốc đã chủ động đâm, bắn nước vào hàng loạt tàu của Việt Nam, làm hư hỏng và bị thương một số kiểm ngư viên.

Đến 12 giờ hôm nay, tàu hải cảnh 2411 đâm thảng vào cảnh sát biển 8003, trong lúc đó, 1 máy bay số 8321 bay độ cao thấp ngay trên tàu 803 trực tiếp uy hiếp các tàu của Việt Nam. Với các tàu của Trung Quốc được trang bị vũ khí, đều được mở bạt ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao bất cứ lúc nào, gây căng thẳng hết sức trên thực địa.

Tàu Trung Quốc húc và bắn vòi rồng vào tàu Việt Nam - Ảnh chụp tại hiện trường

Kiểm ngư viên bị thương do tàu của Trung Quốc gây ra

Sau khi nắm được tin và di chuyển, vị trí dự kiến đặt, lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam đã có mặt kịp thời ngăn chặn, phát tín hiệu yêu cầu giàn khoan và các tàu của Trung Quốc rời khởi vùng biển Việt Nam. Lực lượng Việt Nam đã thể hiện kiên trì, kiềm chế trước sự hung hăng, ngang ngược của tàu Trung Quốc.

Việt Nam không sử dụng tàu quân sự vào các hoạt động ngăn chặn, đấu tranh.

Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Các hoạt động xâm phạm của Trung Quốc nằm trên tuyến hàng hải đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đe dọa đến an ninh hàng hải, làm ảnh hưởng đến hoạt động của các quốc gia khác, gây mất lòng tin của nhân dân thế giới với Trung Quốc.

Phóng viên hãng AP:Có người chết trong các vụ va chạm giữa lực lượng các tàu của 2 nước?

Ông Ngô Ngọc Thu: Chưa có ai bị chết, có 6 kiểm ngư viên của Việt Nam bị mảnh kính văng vào, bị thương phần mềm.

Như quý vị đã xem, tàu Trung Quốc đã chủ động đâm vào tàu Việt Nam, gây hỏng hóc nhiều nhưng lực lượng phía Việt Nam vẫn kiên trì kiềm chế. Tuy nhiên, mọi sự kiềm chế vẫn có giới hạn, nếu tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục đâm vào tàu Việt Nam, chúng tôi sẽ buộc phải tự vệ, đâm trở lại.

Phóng viên hãng AFP: Việt Nam đã khống chế ngư dân nào của Trung Quốc tại vùng biển Trung Quốc đưa giàn khoan vào?

Ông Ngô Ngọc Thu: Đến nay, phía Việt Nam chưa khống chế bất cứ người nào tại vùng biển có nhiều tàu Trung Quốc đang xâm phạm trái phép.

VietnamNet: Tại sao chưa sử dụng điện đàm đường dây nóng giữa hai nước? Kịch bản phản ứng trong trường hợp xấu nhất như cắt đứt quan hệ ngoại giao hay dùng vũ lực?

Ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Biên giới: Chúng ta đã sử dụng đường dây nóng giữa Bộ ngoại giao hai nước, cấp Phó thủ tướng và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc. Đã đề nghị sử dụng điện đàm cấp cao, đang chờ đợi trả lời của Trung Quôc.

Hành động của Trung Quốc đe dọa an ninh hàng hải biển Đông, ta đã thông báo với các nước Asean và các nước liên quan có lợi ích ở khu vực này. Khi tiếp xúc, hầu hết các nước đều lo ngại về hành động này của Trung Quốc.

Vấn đề chủ quyền rất thiêng liêng, chúng ta sẽ kiên trì các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Hãng NHK: Phía Trung Quốc đã thực sự khoan thăm dò dưới đáy biển Việt Nam chưa? Nếu Trung Quốc không rút giàn khoan thì Việt Nam có hành động gì tiếp theo?

Ông Ngô Ngọc Thu: Đến thời điểm này, giàn khoan 981 đã được định vị như bản đồ. Sau định vị thì giàn khoan đang tiến hành tác nghiệp chuẩn bị để tiến tới khoan thăm dò.

Ông Trần Duy Hải: Như đã khẳng định, Việt Nam chủ trương các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp liên quan. Sắp tới vẫn tiếp tục kiên trì trao đổi với Trung Quốc để giải quyết các vấn đề trên biển Đông. Sử dụng các biện pháp hòa bình theo công ước quốc tế để bảo vệ.

Báo Lao động: Động thái của Trung Quốc đã bị cộng đồng quốc tế lên án, đây là hành động khiêu khích và gây hấn, chúng ta khẳng định kiên trì theo đuổi các biện pháp ngoại giao nhưng dư luận cho rằng Việt Nam đang nhịn khiến Trung Quốc càng lấn tới?

Ông Trần Duy Hải: Việt Nam là nước ưa chuộng hòa bình vì chúng ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh, kiên trì biện pháp hòa bình. Tôi đã nói nhiều lần chủ quyền lãnh thổ rất thiêng liêng, sẽ sử dụng các biện pháp được quy định của Hiến chương Liên hợp quốc.

Báo Thanh Niên: Trong cuộc điện đàm với Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, ông Dương Khiết Trì đã trả lời thế nào với khẳng định chủ quyền và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan? Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đã có kế hoạch ứng phó thế nào nếu Trung Quốc đưa giàn khoan ra các vùng biển PVN đang tiến hành khai thác?

Ông Trần Duy Hải: Trong cuộc điện đàm với Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, phía Trung Quốc nhắc lại lập trường Trung Quốc trên biển Đông, cho rằng khu vực giàn khoan 981 đang hoạt động thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Nhưng Phó thủ tướng đã bác bỏ quan điểm của Trung Quốc và khẳng định quyền chủ quyền của chúng ta với Hoàng Sa. Phó Tthủ tướng nhấn mạnh hoạt động của giàn khoan 981 xâm phạm các vùng biển của Việt Nam và Việt Nam sẽ kiên quyết phản đối.

Ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia: Khu vực này chưa có phát hiện thương mại nào có thể khai thác dầu khí, đây là lần đầu tiên có hoạt động thăm dò dầu khí. PVN đã nhiều lần tiến hành thăm dò nhưng chưa khoan. PVN đã gửi thư cho Chủ tịch và Tổng giám đốc CNOOC phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt. Về tương lai, Trung Quốc có thể tiếp cận và khoan tại các khu vực PVN đang thăm dò khai thác dầu khí, các vị trí này đang nằm sâu trong thềm lục địa, tôi tin rằng các cơ quan chức năng sẽ không cho phép Trung Quốc tiến vào thăm dò, khai thác trong bất kỳ trường hợp nào.

Nguyên Chủ tịch UBND H.Hoàng Sa: “Tôi rất căm phẫn”

“Tôi rất căm phẫn vì đây là hành vi xâm chiếm lãnh thổ của ta”, đó là khẳng định của ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch UBND H.Hoàng Sa trước sự việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào vùng thềm lục địa VN.

Theo ông Ngữ, chủ trương chung của Nhà nước ta giải quyết các vấn đề liên quan đến biển Đông là bằng biện pháp hòa bình, trong đó các nước liên quan trước hết phải tuân thủ Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển, mà Trung Quốc cũng đã trực tiếp ký vào. Thứ hai, Trung Quốc cũng phải tuân thủ nguyên tắc ứng xử các bên ở biển Đông mà họ tham gia cùng các quốc gia Đông Nam Á. Theo đó, đối với các tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc với nhiều nước phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình. “Cũng như cam kết giữa Trung Quốc và Việt Nam thì việc giải quyết các tranh chấp thông qua những đường đây nóng, đó là ràng buộc mà nếu một nước có tự trọng thì phải tuân thủ những cam kết mà chính bản thân mình đã đề ra” - ông Ngữ nói.

“Trung Quốc lâu nay đã cho chúng ta nhiều bài học vào những lúc Việt Nam sơ hở nhất, như năm 1956 sau Hiệp định Geneve, Pháp chưa chuyển giao kịp thì Trung Quốc chiếm đảo phía đông Hoàng Sa. Năm 1974 chiến tranh Việt Nam sắp kết thúc thì Trung Quốc chiếm các đảo phía tây của Hoàng Sa mà 40 năm rồi chúng ta chưa đòi được. Năm 1988 thì Trung Quốc lại ngang nhiên chiếm đóng đảo Gạc Ma (Trường Sa) và thảm sát chiến sĩ ta. Những bài học kinh nghiệm đó còn mới toanh, thì bây giờ Trung Quốc còn đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tôi rất căm phẫn vì đây là hành vi xâm chiếm lãnh thổ của ta. Chúng ta phải đấu tranh, trước mắt là bằng biện pháp hòa bình, để thế giới và nhân dân biết và lên án” - ông Ngữ khẳng định.

Nguyễn Tú

Lê Quân - Mai Hà

(Theo Thanh niên)

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,026

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]