Tàu Trung Quốc phun vòi rồng tấn công các tàu của Việt Nam gần vùng biển hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981. Ảnh: Bộ Ngoại Giao
Yi Xianliang, Phó tổng vụ trưởng Vụ Biên giới và Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm nay tuyên bố Trung Quốc yêu cầu Việt Nam rút tàu khỏi khu vực đặt giàn khoan HD-981. Tuyên bố được đưa ra sau khi Việt Nam khẳng định Trung Quốc sử dụng vòi rồng tấn công và đâm vào tàu Việt Nam, khiến một số tàu bị hư hỏng nặng và 6 kiểm ngư viên bị thương.
Theo Yi, Trung Quốc sẵn sàng giải quyết vấn đề với Việt Nam thông qua đàm phán nhưng với điều kiện Hà Nội phải cho rút các tàu về. "Chúng tôi có thể giải quyết vấn đề này một cách thích hợp. Chúng tôi có khả năng, tự tin và sự khôn ngoan để làm điều đó", Reuters dẫn lời quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc.
Dù đang xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam, Bắc Kinh lại cho rằng hoạt động đặt giàn khoan HD-981 được tiến hành trên khu vực nằm trong lãnh thổ Trung Quốc và đã "kiềm chế tối đa" trong việc sử dụng vòi rồng để phản ứng lại các cuộc đụng độ mà họ cho là xuất phát từ phía Việt Nam. Quan chức có tên Yi còn biện bạch rằng các tàu của Trung Quốc hoạt động ở vùng thuộc quyền chủ quyền của Trung Quốc, bất chấp thực tế rõ ràng rằng vị trí hạ đặt của giàn khoan này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Bình luận của Yi được đưa ra không lâu sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình cho rằng "không có xung đột nào xảy ra" kể từ khi giàn khoan dầu khí HD-981 được hạ đặt trên Biển Đông hồi cuối tuần trước. Quan chức này còn tìm cách giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của sự việc bằng cách cho rằng biến cố trên biển vừa rồi chỉ có tính chất cục bộ.
Trên thực địa, hiện Trung Quốc triển khai đến 80 tàu xung quanh giàn khoan gây căng thẳng trong khu vực. Thông tin này được ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban biên giới Quốc gia Việt Nam, thông báo. Trong số này có 7 tàu quân sự, 33 tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính, nhiều tàu cá và tàu phục vụ.
Trong các ngày qua, tàu Trung Quốc các loại đã cố tình đâm vào tàu cảnh sát và tàu kiểm ngư của Việt Nam, đồng thời dùng vòi nước áp lực cao để phá hoại tàu Việt Nam đang thực thi pháp luật trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trước động thái này, Phó tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam Ngô Ngọc Thu nhấn mạnh: "Chúng tôi không quan tâm những gì mà Trung Quốc nói. Chúng tôi đang làm nhiệm vụ của mình để bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền quốc gia. Chúng tôi chỉ điều tàu đến khu vực này theo luật, nhưng Trung Quốc đã đưa tàu hộ vệ tên lửa để hỗ trợ cho các tàu dân sự của họ".
Ông Thu cũng nói thêm rằng, trong quá trình ngăn cản Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, các tàu của Việt Nam đã hết sức kiềm chế dù bị tấn công một cách hung hăng. Tuy nhiên, ông tuyên bố nếu tàu Trung Quốc tiếp tục đâm húc, phía Việt Nam sẽ có hành động tự vệ vì "mọi sự kiềm chế đều có giới hạn".
Thùy Linh
(Theo vnexpress)