Lý giải về việc trong quý I/2014 chỉ thu hút được 3,3 tỷ USD, chỉ bằng nửa so với quý I/2013), Bộ trưởng Vinh nêu nguyên do, năm ngoái có 2 dự án lớn đầu tư vào Việt Nam là dự án của Samsung Thái Nguyên (2 tỷ USD) và dự án lọc đầu Nghi Sơn Thanh Hóa (2,8 tỷ USD), làm cho tổng mức đầu tư FDI của quý I/2013 tăng đột biến. Ngược lại trong quý I năm nay không có những dự án lớn như vậy đầu tư vào Việt Nam. Như vậy không có nghĩa là đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sụt giảm mạnh.
“Trong năm 2014, Bộ KHĐT dự báo tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam không giảm so với năm 2013 và có một số dự án lớn hiện cũng đang đàm phán để có thể ký kết trong năm 2014” – ông Vinh nói.
Bên cạnh nguồn vốn, Bộ trưởng Vinh cũng thừa nhận trong thời gian qua việc chuyển giao công nghệ trực tiếp chưa được nhiều như mong muốn. Trong khoảng gần 16.000 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam hầu hết ở dạng 100% vốn của nước ngoài. Nhu cầu hoặc điều kiện để chuyển giao trực tiếp công nghệ cho một đối tác liên doanh là ít.
“Chúng ta cần đổi mới công nghệ, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam trong nước phải cạnh tranh và phải nâng cao chất lượng công nghệ của mình. Đấy cũng là một tác động mạnh trong việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ” – ông Vinh nói.
Cũng theo Bộ trưởng, môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam chưa thật sự hoàn thiện, bởi vì Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, cho nên hệ thống luật pháp cũng từng bước đang được hoàn thiện dần. Nhưng Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của mình và được các nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận.
Đề cập đến mức độ cạnh tranh giữa các DN, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, doanh nghiệp trong nước đang được hưởng rất nhiều ưu đãi chứ không chỉ riêng doanh nghiệp nước ngoài.
“Thời gian vừa qua chúng ta đặt trọng tâm và chú ý nhiều đến mảng doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, vì họ có những vai trò riêng trong lúc chúng ta đang thiếu hụt nguồn lực về vốn, về kinh nghiệm, rồi khoa học công nghệ… Tuy vậy, nếu chúng ta không quan tâm đúng mức đến khối doanh nghiệp trong nước thì dù có thu hút đầu tư nước ngoài tốt bao nhiêu, kinh tế Việt Nam vẫn không phát triển được, và sẽ bị lệ thuộc”.
Ông Vinh phân tích và cho rằng, khi hội nhập các doanh nghiệp trong nước buộc phải mạnh lên, tạo ra công ăn việc làm nhiều hơn, và họ phải là những người xây dựng được những thương hiệu của Việt Nam. Do vậy động lực để đất nước phát triển trong thời gian tới chính là phải quan tâm đến khối doanh nghiệp trong nước.
Đối với loại hình doanh nghiệp nhà nước, hiện đang tập trung tái cấu trúc theo hướng thu hẹp lại các lĩnh vực hoạt động và đồng thời cổ phần hóa mạnh mẽ. Nhưng theo Bộ trưởng, cốt lõi cuối cùng của doanh nghiệp nhà nước là phải nâng cao hiệu quả.
Với khối doanh nghiệp tư nhân, chiếm một lực lượng lớn nhất, đông đảo nhất, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho đây là lực lượng quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên vừa qua khối doanh nghiệp tư nhân lại chưa được quan tâm đầy đủ.
Trong soạn thảo về định hướng phát triển kinh tế trong thời gian tới, chúng tôi đưa ra một trong những mục tiêu là phải tập trung mọi nguồn lực, có những chính sách đủ mạnh để thúc đẩy khai thác tất cả các lợi thế về doanh nghiệp tư nhân trong nước. Doanh nghiệp tư nhân sẽ là động lực quan trọng bậc nhất đóng góp vào tăng trưởng của Việt Nam”.
Nguyễn Dũng
Theo Infonet