Thông tin mới nhất về thủy điện Thác Bà: Đóng cửa xả mặt số 2 hồ thủy điện Thác Bà vào hồi 22h00 ngày 13/9/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
16/09/2024 07:00 AM

Theo Công điện mới nhất của Bộ NN&PTNT, đã thực hiện đóng cửa xả mặt số 2 hồ thủy điện Thác Bà vào hồi 22h00 ngày 13/9/2024.

Đóng cửa xả mặt số 2 hồ thủy điện Thác Bà vào hồi 22h00 ngày 13/9/2024

Tại Công điện 6829/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 13/9/2024 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lệnh Giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện Thác Bà đóng cửa xả mặt số 2 hồ thủy điện Thác Bà vào 22h00 ngày 13/9/2024.

Đồng thời tại Công văn 6830/BNN-ĐĐ đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh PHúc, Hà Nội đảm bảo an toàn hạ du khi vận hành hồ thủy điện Thác Bà.

Hồi 20h00’ ngày 13/9/2024, mực nước thượng lưu hồ Thác Bà ở cao trình 58,59m, lưu lượng đến hồ 1.185m3/s, lưu lượng xả 2.446m3/s;

Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng tại Quyết định 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 29/6/2024 của Chính phủ về việc bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai trong thời gian kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lệnh Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà:

Đóng cửa xả mặt số 2 hồ thủy điện Thác Bà vào hồi 22h00’ ngày 13/9/2024.

Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, an toàn công trình, lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa kịp thời báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) và các cơ quan liên quan theo quy định.

Để đảm bảo an toàn cho công trình và các hoạt động ven sông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố:

Thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông biết thông tin để chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn và điều chỉnh hoạt động cho phù hợp; không để người dân đến những khu vực có nguy cơ sạt lở, công trình đang thi công, tránh những thiệt hại đáng tiếc.

Báo cáo kịp thời các tình huống bất thường về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).

Mở cửa xả mặt thủy điện Thác Bà

**Theo Báo cáo nhanh công tác trực ban PCT ngày 15/9/2024: Hồ Thác Bà mở 02 cửa xả mặt.

**Theo Báo cáo nhanh công tác trực ban PCT ngày 11/9/2024:

- Hồ Tuyên Quang mở 03 cửa xả đáy; hồ Thác Bà mở 03 cửa xả mặt.

- Trưa ngày 10/9/2024, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ tại tỉnh Bắc Giang và chủ trì họp với các Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn và các tỉnh, thành phố: Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hà Nội để chỉ đạo ứng phó với mưa lũ và đảm bảo an toàn hạ du thuỷ điện Thác Bà.

- Từ ngày 10-11/9/2024, Phó Thủ tướng Lê Thành Long chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại Yên Bái và đảm bảo an toàn hạ du thuỷ điện Thác Bà.

**Theo Báo cáo nhanh công tác trực ban PCTT ngày 09/9/2024, liên quan đến hồ chứa trên hệ thống sông Hồng, tình hình mở cửa xã của các hồ chứa như sau:

Hồ Hoà Bình mở 02 cửa xả đáy; hồ Tuyên Quang mở 08 cửa xả đáy; hồ Thác Bà mở 03 cửa xả mặt.

Như vậy, thủy điện Thác Bà mở 03 cửa xả mặt từ ngày 09/9/2024.

Vận hành đảm bảo an toàn công trình thủy điện Thác Bà

Theo Điều 11 Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng ban hành kèm Quyết định 740/QĐ-TTg năm 2019, có đề cập đến việc vận hành đảm bảo an toàn công trình thủy điện Thác Bà như sau: 

Khi mực nước hồ Thác Bà đã ở cao trình 58m mà dự báo lũ sông Chảy tiếp tục lên, mực nước hồ có thể vượt cao trình 59,6m, bắt đầu chế độ vận hành đảm bảo an toàn công trình: mở dần các cửa đập tràn, các cửa lấy nước vào tuabin để khi mực nước hồ đạt cao trình 59,6m, toàn bộ các cửa xả của tràn và các cửa lấy nước vào tuabin đã được mở hết.

Hồ Thác Bà nằm trên địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên (tỉnh Yên Bái).

Hồ Thác Bà được hình thành khi đập thủy điện Thác Bà hoàn tất năm 1971. Hồ Thác Bà có diện tích vùng hồ rộng 23.400 ha, diện tích mặt nước là hơn 19.050 ha.

Triển khai các biện pháp khẩn cấp bảo đảm an toàn đập thủy điện Thác Bà

Xem chi tiết TẠI ĐÂY

Quy trình vận hành hồ chứa nước

Theo Điều 11 Nghị định 114/2018/NĐ-CP, quy trình vận hành hồ chứa nước phải tuân thủ quy định của Luật Thủy lợi, Luật Tài nguyên nước, pháp luật có liên quan và phù hợp với quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

**Nội dung chính của quy trình vận hành hồ chứa nước

- Cơ sở pháp lý để lập quy trình, nguyên tắc vận hành công trình, thông số kỹ thuật chủ yếu, nhiệm vụ công trình;

- Quy định quy trình vận hành cửa van (nếu có); quy định cụ thể về vận hành hồ chứa nước trong mùa lũ, mùa kiệt trong trường hợp bình thường và trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng, ô nhiễm nguồn nước và trong tình huống khẩn cấp;

- Quy định chế độ quan trắc, cung cấp thông tin về quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng theo quy định tại Điều 15 Nghị định 114/2018/NĐ-CP;

- Công tác cảnh báo khi vận hành xả lũ trong trường hợp bình thường và trong tình huống khẩn cấp, cảnh báo khi vận hành phát điện bao gồm: Quy định khoảng thời gian tối thiểu phải thông báo trước khi vận hành mở cửa xả nước đầu tiên; tín hiệu cảnh báo, thời điểm cảnh báo, vị trí cảnh báo; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc phát lệnh, truyền lệnh, thực hiện lệnh vận hành xả lũ; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc phát tin, truyền tin, nhận tin cảnh báo xả lũ;

- Quy định về dòng chảy tối thiểu (nếu có);

- Quy định trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thực hiện quy trình vận hành hồ chứa nước theo khoản 6 Điều 13 Nghị định 114/2018/NĐ-CP;

- Quy định về tổ chức thực hiện và trường hợp sửa đổi, bổ sung quy trình vận hành hồ chứa nước.

**Trách nhiệm lập và điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa nước

- Chủ đầu tư xây dựng đập, hồ chứa nước lập quy trình vận hành hồ chứa nước, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi tích nước và bàn giao cho tổ chức, cá nhân khai thác, cơ quan quản lý nhà nước về thủy lợi, thủy điện, phòng, chống thiên tai;

- Đối với hồ chứa nước đang khai thác mà chưa có quy trình vận hành thì tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa thủy lợi hoặc chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện có trách nhiệm lập quy trình vận hành, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt chậm nhất sau 01 năm kể từ ngày Nghị định 114/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành;

- Định kỳ 5 năm hoặc khi quy trình vận hành không còn phù hợp, tổ chức cá nhân khai thác đập, hồ chứa thủy lợi hoặc chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,583

Bài viết về

Phòng chống lụt bão

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn