Chỉ đạo phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Trọng Tín
10/09/2024 11:15 AM

Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về tình hình sạt lở và công tác phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau.

Chỉ đạo phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển

Chỉ đạo phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển (Hình từ Internet)

Chỉ đạo phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển

Ngày 11/8/2024, thực hiện phân công của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì đoàn công tác đi khảo sát, kiểm tra tình hình đê điều và chỉ đạo công tác khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển tại các tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Đoàn công tác đã đi kiểm tra, khảo sát sạt lở đê biển tại khu vực xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu), bờ sông Gành Hào (thuộc huyện Đông Hải), tỉnh Bạc Liêu; kiểm tra, khảo sát sạt lở bờ biển khu vực cửa Gành Hào thuộc các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và làm việc với các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau về tình hình sạt lở và công tác phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

Theo Thông báo 379/TB-VPCP ngày 14/8/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã kết luận, chỉ đạo như sau:

(1) Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò, vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của cả nước, đóng góp rất lớn trong việc nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trong khu vực và thế giới thông qua hoạt động xuất khẩu nông sản, đặc biệt là xuất khẩu gạo.

Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là khu vực nhạy cảm, dễ bị tổn thương nhất cả nước trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Qua khảo sát thực tế và theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, đặc biệt là trên địa bàn 2 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau ngày càng phức tạp, có những yếu tố bất thường hơn, sạt lở không chỉ xảy ra trong mùa mưa lũ mà cả trong mùa khô, không chỉ trên sông mà xảy ra ở nhiều kênh rạch, ở những nơi đã xây dựng công trình bảo vệ. Tình trạng sạt lở tại một số khu vực có nguy cơ gây mất an toàn đê biển, nhà cửa, hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân.

Thay mặt Thường trực Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ chia sẻ với những khó khăn, thách thức rất lớn mà các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã, đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt, đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển và sụt lún đất.

(2) Về các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới:

- Đề nghị các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (nhất là các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau) và các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền đã được phân công tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống sạt lở, sụt lún đất, ngập úng theo đúng kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được nêu tại Thông báo 349/TB-VPCP ngày 24/8/2023, trong đó lưu ý một số vấn đề sau:

+ Phải tập trung làm tốt công tác dự báo, phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, sụt lún đất để kịp thời cảnh báo cho người dân, không để bị động, bất ngờ, thiệt hại về tính mạng người dân do sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất.

+ Làm tốt công tác truyền thông, vận động các hộ dân sinh sống ở khu vực đã xuất hiện dấu hiệu sạt lở hoặc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở chủ động sơ tán, di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của nhân dân. Đồng thời chủ động có phương án hỗ trợ bảo đảm chỗ ở, sinh kế cho các hộ dân phải sơ tán, di dời theo quy định.

+ Giải pháp và việc đầu tư xây dựng công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển cần bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, căn cơ, đa mục tiêu, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tránh xảy ra tình trạng xây dựng công trình ở địa phương này ảnh hưởng đến địa phương khác (nhất là trên cùng một dòng sông), xây dựng công trình phục vụ mục đích này ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực khác gây xung đột lợi ích, lãng phí nguồn lực đầu tư.

+ Nhu cầu vốn để xây dựng công trình phòng, chống, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển là rất lớn, các địa phương cần chủ động rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên để đầu tư phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực; chủ động cân đối, bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách địa phương, cùng với nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách trung ương, đồng thời huy động các nguồn vốn hợp pháp khác (kể cả nguồn lực ngoài ngân sách) để từng bước triển khai thực hiện bảo đảm căn cơ, đồng bộ.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thành Đề án tổng thể cho Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có nhiệm vụ phòng chống sạt lở, sụt lún đất, hạn hán, xâm nhập mặn, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

(3) Về đầu tư xử lý khẩn cấp các khu vực xảy ra sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến dân cư, công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau chỉ đạo rà soát kỹ, sắp xếp thứ tự ưu tiên, chủ động bố trí dự phòng ngân sách của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để tập trung xử lý ngay các khu vực thực sự xung yếu, cấp bách nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, công trình đê điều và cơ sở hạ tầng thiết yếu khác; trường hợp đã sử dụng ngân sách của địa phương nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công, phòng, chống thiên tai và quy định pháp luật khác có liên quan.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 481

Bài viết về

Phòng chống lụt bão

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn