Những điểm mới của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
23/08/2024 15:22 PM

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, và dưới đây là những điểm mới của Luật này.

Những điểm mới của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024

Những điểm mới của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024

Ngày 29/6/2024, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 thay thế cho Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017.

Những điểm mới của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024

(1) Bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ

Theo khoản 4 Điều 2 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 thì vũ khí thô sơ bao gồm:

- Kiếm, giáo, mác, thương, dao găm, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành;

- Dao có tính sát thương cao quy định tại khoản 6 Điều 2 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 (Dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành) sử dụng với mục đích để thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 2 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024.

(2) Bổ sung thêm các loại vũ khí quân dụng

 Theo khoản 2 Điều 2  Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 đã quy định vũ khí quân dụng bao gồm:

(2.1) Súng cầm tay, súng vác vai, vũ khí hạng nhẹ, vũ khí hạng nặng, đạn sử dụng cho các loại vũ khí này; các loại bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi và vũ khí khác thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành, trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024;

(2.2) Súng bắn đạn ghém, súng nén khí, súng nén hơi, đạn sử dụng cho các loại súng này thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành;

(2.3) Vũ khí quy định tại điểm a khoản 4 Điều 2 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;

(2.4) Súng săn, vũ khí quy định tại điểm a khoản 4, vũ khí quy định tại điểm a khoản 5 và dao có tính sát thương cao quy định tại khoản 6 Điều 2 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật;

(2.5) Linh kiện cơ bản của súng quy định tại (2.1) bao gồm: thân súng, nòng súng, bộ phận cò, bộ phận khóa nòng, kim hỏa;

(2.6) Linh kiện cơ bản của súng quy định tại (2.2) bao gồm: thân súng, bộ phận cò;

(2.7) Vũ khí khác có tính năng, tác dụng, khả năng gây sát thương tương tự như vũ khí quy định tại (2.1) và (2.2), không thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành.

(3) Lực lượng chức năng được phép nổ súng vào flycam mà không cần cảnh báo trước

Cụ thể, tại điểm g, khoản 2 Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 về các trường hợp được nổ súng vào đối tượng không cần cảnh báo, trong đó có:

Ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện không người lái trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ, mục tiêu bảo vệ.

(4) Bổ sung thêm Cảnh sát biển được trang bị vũ khí thể thao

Theo khoản 1 Điều 24 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 quy định về đối tượng được trang bị vũ khí thể thao bao gồm:

- Quân đội nhân dân;

- Dân quân tự vệ;

- Cảnh sát biển;

- Công an nhân dân;

- Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động;

- Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh;

- Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khác được thành lập, cấp phép hoạt động trong luyện tập, thi đấu thể thao.

(5) Quy định mới về tiếp nhận và quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ

Tại Điều 15 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 đã quy định đối tượng, điều kiện, thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận và quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ như sau:

- Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có chức năng nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc cơ quan, tổ chức được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 được tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ.

- Việc tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm các điều kiện như sau:

+ Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan;

+ Vũ khí, công cụ hỗ trợ tiếp nhận phải bảo đảm phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

+ Chỉ được tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ để nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, trang bị, sử dụng hoặc trưng bày, triển lãm theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024;

+ Vũ khí, công cụ hỗ trợ tiếp nhận phải rõ nguồn gốc, xuất xứ và bảo đảm phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật Việt Nam.

- Bộ trưởng Bộ Công an quyết định số lượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

- Thủ tục tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện như sau:

+ Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu tiếp nhận và tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ; lý do; số lượng, chủng loại, nhãn hiệu vũ khí, công cụ hỗ trợ; họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật và người đến liên hệ;

+ Văn bản đề nghị quy định tại điểm a khoản này nộp tại cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định;

+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận văn bản đề nghị, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy phép tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

- Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, sau khi tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ để sử dụng thì phải làm thủ tục đề nghị cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy phép sử dụng hoặc đăng ký, khai báo theo quy định tại các điều 21, 26 hoặc 55 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024.

- Thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận và quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

(6) Nhiều thủ tục liên quan quản lý đến vũ khí, công cụ hỗ trợ và vật liệu nổ được giải quyết online

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 đã sửa đổi, bổ sung các quy định giấy tờ, hồ sơ, quy định trong các thủ tục hành chính về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo hướng đơn giản hóa và nhanh chóng

Đơn cử là thủ tục trang bị công cụ hỗ trợ đã được quy định như sau:

- Hồ sơ đề nghị bao gồm: văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu trang bị và tên, địa chỉ của tổ chức, doanh nghiệp bán công cụ hỗ trợ, lý do, số lượng, chủng loại, nhãn hiệu công cụ hỗ trợ cần trang bị, họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật; đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thành lập lực lượng bảo vệ chuyên trách thì phải có bản sao quyết định thành lập lực lượng bảo vệ chuyên trách;

- Hồ sơ đề nghị quy định tại điểm a khoản này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công an hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ;

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, văn bản đề nghị, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy phép trang bị công cụ hỗ trợ; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

(khoản 1 Điều 53 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024)

Xem thêm nội dung tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, trừ quy định tại Điều 17, Điều 32 và khoản 1 Điều 49 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,430

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn