Thay đổi cách tính lương hưu của cán bộ công chức đóng BHXH từ năm 2025

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
12/08/2024 16:15 PM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung thay đổi cách tính lương hưu của cán bộ công chức, viên chức đóng BHXH từ năm 2025

Thay đổi cách tính lương hưu của cán bộ công chức từ năm 2025

Thay đổi cách tính lương hưu của cán bộ công chức đóng BHXH từ năm 2025 (Hình từ internet)

Thay đổi cách tính lương hưu của cán bộ công chức đóng BHXH từ năm 2025

Căn cứ khoản 1 Điều 72 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 vẫn giữ nguyên quy định về mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần so với Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của số tháng đóng BHXH trước khi nghỉ hưu như sau:

- Bắt đầu tham gia BHXH trước ngày 01/01/1995 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 05 tháng cuối trước khi nghỉ hưu;

- Bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1995 đến ngày 31/12/2000 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 06 tháng cuối trước khi nghỉ hưu;

- Bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2001 đến ngày 31/12/2006 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 08 tháng cuối trước khi nghỉ hưu;

- Bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2007 đến ngày 31/12/2015 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 10 tháng cuối trước khi nghỉ hưu;

- Bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2019 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 15 tháng cuối trước khi nghỉ hưu;

- Bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/12/2024 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 20 tháng cuối trước khi nghỉ hưu;

- Bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 01/01/2025 trở đi thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng BHXH.

Như vậy, đối với khu vực Nhà nước, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần được tính trong khoảng thời gian 5 đến 20 tháng cuối trước khi nghỉ hưu, tuỳ từng thời điểm tham gia.

Tuy nhiên, đối với người đóng BHXH từ ngày 01/01/2025 trở đi thì tính bình quân toàn bộ quá trình đóng, tương tự khu vực doanh nghiệp.

Cụ thể tại khoản 2 Điều 72 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian.

Lưu ý: Người lao động vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo quy định trên.

Căn cứ đóng BHXH để hưởng lương hưu của cán bộ công chức từ năm 2025

Theo khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc được quy định như sau:

- Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có);

– Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.

Trường hợp người lao động ngừng việc vẫn hưởng tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất thì đóng theo tiền lương được hưởng trong thời gian ngừng việc;

- Đối tượng quy định tại các điểm đ, e và k khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc do Chính phủ quy định;

- Đối tượng quy định tại các điểm g, h, m và n khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 được lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc nhưng thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.

Sau ít nhất 12 tháng thực hiện đóng BHXH theo tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đã lựa chọn thì người lao động được lựa chọn lại tiền lương làm căn cứ đóng BHXH;

- Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

Lương hưu, tuổi nghỉ hưu

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn