Mức hoạt động phí của đại biểu Hội đồng nhân dân từ 01/7/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
09/07/2024 09:00 AM

Dưới đây là mức hoạt động phí của đại biểu Hội đồng nhân dân từ ngày 01/7/2024 theo mức lương cơ sở mới.

Mức hoạt động phí của đại biểu Hội đồng nhân dân từ 01/7/2024 (Hình từ internet)

1. Đại biểu Hội đồng nhân dân là ai?

Theo quy định tại Điều 6 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015, đại biểu Hội đồng nhân dân được quy định như sau:

Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước Hội đồng nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.

Đại biểu Hội đồng nhân dân bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân.

2. Mức hoạt động phí của đại biểu Hội đồng nhân dân từ 01/7/2024

Ngày 30/6/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Theo đó, từ 01/7/2024, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1.800.000 đồng lên 2.340.000 đồng.

Đồng thời, theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 07/2024/TT-BNV quy định cách tính hoạt động phí của Hội đồng nhân dân các cấp như sau:

(Mức hoạt động phí thực hiện từ ngày 01/7/2024)

=

(Mức lương cơ sở 2.340.000 đồng/tháng)

x

(Hệ số hoạt động phí theo quy định)

Trong đó, hệ số hoạt động phí được quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 1206/2016/NQ-UBTVQH13 như sau:

Đại biểu Hội đồng nhân dân (bao gồm cả đại biểu hoạt động chuyên trách và hoạt động không chuyên trách) được hưởng hoạt động phí hàng tháng như sau:

- Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã: Hệ số 0,3 mức lương cơ sở;

- Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện: Hệ số 0,4 mức lương cơ sở;

- Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh: Hệ số 0,5 mức lương cơ sở;

Như vậy, khi tăng lương cơ sở thì mức hoạt động phí của đại biểu Hội đồng nhân dân cũng tăng theo, cụ thể: 

- Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã được hưởng: 702.000 đồng/tháng

- Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện được hưởng: 936.000 đồng/tháng

- Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được hưởng: 1.170.000 đồng/tháng

3. Nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân là bao lâu?

Nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân được quy định tại Điều 10 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 như sau: 

- Nhiệm kỳ của mỗi khóa Hội đồng nhân dân là 05 năm, kể từ kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa đó đến kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa sau. Chậm nhất là 45 ngày trước khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ, Hội đồng nhân dân khóa mới phải được bầu xong.

Việc rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

- Nhiệm kỳ của đại biểu Hội đồng nhân dân theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu bổ sung bắt đầu làm nhiệm vụ đại biểu từ ngày khai mạc kỳ họp tiếp sau cuộc bầu cử bổ sung đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa sau.

- Nhiệm kỳ của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân cùng cấp. Khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Hội đồng nhân dân khóa mới bầu ra Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân khóa mới.

Như vậy, theo quy định nêu trên, nhiệm kỳ của mỗi khóa Hội đồng nhân dân là 05 năm, kể từ kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa đó đến kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa sau.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,478

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]