Người dân được trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng không quá 7 năm

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
08/06/2024 17:00 PM

Người dân được trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng không quá 7 năm theo quy định tại Nghị định 58/2024/NĐ-CP về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp.

Quy định về trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng

Quy định về trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng (Hình từ Internet)

Đối tượng được trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng

Căn cứ khoản 1, khoản 3 Điều 21 Nghị định 58/2024/NĐ-CP, đối tượng được trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng bao gồm: hộ gia đình nghèo, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại xã khu vực II và III thực hiện bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung, trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng để thay đổi tập quán du canh du cư, thực hiện trồng rừng thay thế nương rẫy và đối tượng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Đối tượng được trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng, phải đảm bảo một trong các điều kiện sau:

- Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất của cấp có thẩm quyền hoặc đã sử dụng đất ổn định theo quy định của pháp luật về đất đai, không có tranh chấp; thực hiện bảo vệ rừng theo quy định tại các Điều 5, 9 và 12; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung theo quy định tại các Điều 6, 10 và 13; trồng rừng phòng hộ theo quy định tại Điều 11 và trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ theo quy định tại Điều 14 Nghị định 58/2024/NĐ-CP, hằng năm được cấp có thẩm quyền nghiệm thu kết quả thực hiện;

- Có hợp đồng khoán bảo vệ rừng theo quy định tại khoản 5 Điều 19; thực hiện khoán bảo vệ rừng theo quy định tại Điều 19 Nghị định 58/2024/NĐ-CP, hằng năm được cấp có thẩm quyền nghiệm thu kết quả thực hiện.

Mức trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng

Theo khoản 2 Điều 21 Nghị định 58/2024/NĐ-CP, mức trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng là 15 kg gạo/khẩu/tháng trong thời gian chưa tự túc được lương thực. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đối tượng được trợ cấp, mức trợ cấp, hình thức trợ cấp cụ thể theo diện tích, số khẩu phù hợp với thực tế của địa phương và thời gian trợ cấp nhưng tối đa 7 năm, đảm bảo các nguyên tắc sau:

- Mức trợ cấp gạo cho hộ gia đình thực hiện trồng rừng thay thế nương rẫy trong năm căn cứ vào diện tích trồng rừng thực tế và thời gian chưa tự túc được lương thực không quá 6 tháng nhưng tối đa không quá 450 kg/năm;

- Mức gạo trợ cấp cho hộ gia đình thực hiện bảo vệ và phát triển rừng trong năm căn cứ vào diện tích thực hiện bảo vệ và phát triển rừng và trong thời gian chưa tự túc được lương thực không quá 4 tháng nhưng tối đa không quá 300 kg/năm;

- Đối với hộ gia đình thực hiện tất cả hoạt động trồng rừng thay thế nương rẫy và hoạt động bảo vệ và phát triển rừng thì được hưởng theo mức trợ cấp cho hoạt động cao hơn;

- Cách tính mức trợ cấp gạo cụ thể:

(1) Cách tính số gạo trợ cấp:

(a) Đối với trợ cấp gạo cho hộ gia đình thực hiện trồng rừng thay thế nương rẫy:

Tổng số gạo trợ cấp

=

Số tháng trợ cấp

x

(15kg)

x

Số khẩu được trợ cấp

x

Hệ số diện tích trồng rừng

Trong đó:

- Số tháng trợ cấp không quá 6 tháng;

- Số khẩu được trợ cấp là số khẩu trong hộ gia đình thực hiện trồng rừng thay thế nương rẫy;

- Hệ số diện tích trồng rừng được lấy theo Mục (2).

(b) Đối với trợ cấp gạo cho hộ gia đình thực hiện bảo vệ và phát triển rừng, không thuộc điểm (a):

Tổng số gạo trợ cấp

=

Số tháng trợ cấp

x

(15kg)

x

Số khẩu được trợ cấp

x

Hệ số diện tích bảo vệ và phát triển rừng

Trong đó:

- Số tháng trợ cấp không quá 4 tháng;

- Số khẩu được trợ cấp là số khẩu trong hộ gia đình thực hiện bảo vệ và phát triển rừng;

- Hệ số diện tích bảo vệ và phát triển rừng được lấy theo Mục (2).

(2) Hệ số diện tích thực hiện:

STT

Diện tích thực hiện

Hệ số

Trồng rừng thay thế nương rẫy

Bảo vệ và phát triển rừng

1

Trên 1,0 ha

Trên 15 ha

1

2

Từ 0,8 - 1,0 ha

Từ 10 - 15 ha

0,9

3

Từ 0,5 - 0,8 ha

Từ 5 - 10 ha

0,8

4

Dưới 0,5 ha

Dưới 5 ha

0,7

(3) Ví dụ về cách tính khối lượng gạo trợ cấp

(a) Đối với trợ cấp gạo cho hộ gia đình thực hiện trồng rừng thay thế nương rẫy

Ví dụ 1: Hộ gia đình A có 5 khẩu thực hiện trồng rừng thay thế nương rẫy là 0,6 ha. Xác định tổng mức gạo trợ cấp đối với hộ gia đình này như sau:

- Xác định số gạo trợ cấp: 6 tháng x 15 kg x 5 khẩu x 0,8 = 360 kg/năm.

- Tổng số gạo trợ cấp cho gia đình A trong năm là 360 kg/năm.

Ví dụ 2: Hộ gia đình A có 6 khẩu thực hiện trồng rừng thay thế nương rẫy là 2 ha. Xác định tổng mức gạo trợ cấp đối với hộ gia đình này như sau:

- Xác định số gạo trợ cấp: 6 tháng x 15 kg x 6 khẩu x 1 = 540 kg/năm.

Số gạo vượt so với định mức (450 kg/năm)

Do đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định số tháng trợ cấp phù hợp, đảm bảo tổng số gạo trợ cấp cho gia đình A trong năm không vượt quá 450 kg/năm.

(b) Đối với trợ cấp gạo cho hộ gia đình thực hiện bảo vệ và phát triển rừng, không thuộc điểm a khoản này

Ví dụ 3: Hộ gia đình B có 6 khẩu thực hiện bảo vệ và phát triển rừng là 4 ha. Xác định tổng mức gạo trợ cấp đối với hộ gia đình này như sau:

- Xác định số gạo trợ cấp: 4 tháng x 15 kg x 6 khẩu x 0,7 = 252 kg/năm.

- Tổng số gạo trợ cấp cho gia đình B trong năm là 252 kg/năm.

Ví dụ 4: Hộ gia đình B có 6 khẩu thực hiện bảo vệ và phát triển rừng là 16 ha. Xác định tổng mức gạo trợ cấp đối với hộ gia đình này như sau:

- Xác định số gạo trợ cấp: 4 tháng x 15 kg x 6 khẩu x 1 = 360 kg/năm.

Số gạo vượt so với định mức (300 kg/năm)

Do đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định số tháng trợ cấp phù hợp, đảm bảo tổng số gạo trợ cấp cho gia đình B trong năm không vượt quá 300 kg/năm.

Trần Trọng Tín

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 946

Bài viết về

lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn