Mức phạt sử dụng tàu cá vượt qua vùng cho phép khai thác thủy sản trên biển

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
10/04/2024 09:30 AM

Xin cho tôi hỏi mới có quy định mới về mức phạt sử dụng tàu cá vượt qua vùng cho phép khai thác thủy sản trên biển đúng không? - Bình An (Khánh Hòa)

Mức phạt sử dụng tàu cá vượt qua vùng cho phép khai thác thủy sản trên biển (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 05/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, có hiệu lực ngày 20/5/2024. 

Ngoài ra, ngày 04/4/2024, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản 2017, có hiệu lực ngày 19/5/2024.

1. Vùng khai thác thủy sản gồm những vùng nào? 

Theo khoản 18 Điều 1 Nghị định 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 42 Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định vùng biển Việt Nam được phân thành ba vùng khai thác thủy sản như sau:

- Vùng ven bờ được giới hạn bởi mép nước biển dọc theo bờ biển và tuyến bờ. Đối với các đảo, vùng ven bờ là vùng biển được giới hạn bởi ngấn nước thuỷ triều trung bình nhiều năm quanh bờ biển của đảo đến 06 hải lý;

- Vùng lộng được giới hạn bởi tuyến bờ và tuyến lộng;

- Vùng khơi (vùng xa bờ) được giới hạn bởi tuyến lộng và ranh giới phía ngoài được xác định phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Ủy ban nhân dân hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển tiếp giáp nhau căn cứ vào đặc điểm cụ thể về địa lý của vùng biển ven bờ để hiệp thương xác định và công bố ranh giới vùng khai thác thủy sản ven bờ giữa hai tỉnh.

2. Mức phạt sử dụng tàu cá vượt qua vùng cho phép khai thác thủy sản trên biển

Căn cứ tại khoản 7 Điều 21 Nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định về phạt tiền đối với hành vi sử dụng tàu cá vượt qua vùng được phép khai thác thủy sản trên biển mà không có văn bản chấp thuận (trừ trường hợp bất khả kháng) theo các mức phạt sau:

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét;

- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét;

- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét;

- Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên.

Lưu ý: Các mức phạt tiền nêu trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân, trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. (Khoản 2 Điều 5 Nghị định 38/2024/NĐ-CP)

Ngoài việc chịu các mức phạt nêu trên, cá nhân, tổ chức có hành vi phạm sẽ bị tịch thu thủy sản khai thác; Tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm. 

Như vậy, theo quy định mới, tàu cá vượt qua vùng được phép khai thác thủy sản trên biển mà không có văn bản chấp thuận (trừ trường hợp bất khả kháng) có thể bị phạt tiền lên đến 200.000.000 đồng đối với cá nhân và 400.000.000 đồng đối với tổ chức. 

(Trước đây không có quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi này)

3. Quản lý hoạt động của tàu cá trên các vùng biển Việt Nam như thế nào?

Quản lý hoạt động của tàu cá trên các vùng biển Việt Nam như sau:

(1) Đối với tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản:

- Tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên hoạt động tại vùng khơi, không được hoạt động tại vùng ven bờ và vùng lộng;

- Tàu có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét hoạt động tại vùng lộng, không được hoạt động tại vùng khơi và vùng ven bờ;

- Tàu có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét hoạt động tại vùng ven bờ không được hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi; tàu đăng ký tại tỉnh nào thì chỉ được hoạt động tại vùng ven bờ của tỉnh đó; trừ trường hợp có thỏa thuận về hoạt động tàu cá ở vùng ven bờ của Ủy ban nhân dân hai tỉnh.

(2) Đối với tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản:

- Tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên hoạt động tại vùng ven bờ, vùng lộng và vùng khơi;

- Tàu có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét hoạt động tại vùng ven bờ và vùng lộng, không được hoạt động tại vùng khơi;

- Tàu có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét hoạt động tại vùng ven bờ không được hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi.

(3) Quy định về treo cờ:

- Tàu cá Việt Nam phải treo quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây viết tắt là Quốc kỳ) ở đỉnh cột phía lái; đối với tàu không có cột phía lái thì Quốc kỳ được treo ở đỉnh cột chính;

- Trường hợp tổ chức, cá nhân Việt Nam thuê tàu cá của nước ngoài phải thực hiện treo cờ của Việt Nam theo quy định nêu trên.

(4) Chuyển đổi hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi:

- Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi khi thực hiện chuyển quyền sở hữu tàu cá giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải đảm bảo không tăng tổng số hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao.

Việc chuyển đổi hạn ngạch Giấy phép khai thác giữa các nghề trong tổng số hạn ngạch giấy phép đã được giao do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, đảm bảo theo định hướng phát triển nghề khai thác thủy sản của địa phương theo hướng chỉ cho chuyển đổi sang nghề thân thiện với nguồn lợi thủy sản và theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức, cá nhân nhận quyền sở hữu tàu cá phải thực hiện quy định về cấp văn bản chấp thuận theo Điều 62 Luật Thủy sản 2017 và Điều 57 Nghị định 26/2019/NĐ-CP và thực hiện đăng ký tàu cá theo quy định. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tổ chức, cá nhân chuyển quyền sở hữu tàu cá thông báo điều chuyển hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi theo Mẫu số 01A.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 37/2024/NĐ-CP đến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu tàu cá sau khi cấp văn bản chấp thuận theo quy định; Cơ quan đăng ký tàu cá thực hiện thủ tục xóa đăng ký tàu cá và đăng ký tàu cá theo quy định.

(5) Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có biển thực hiện rà soát, xác định số tàu cá hiện có và địa bàn hoạt động của các tàu cá, Giấy phép khai thác thuỷ sản đã cấp cho tàu cá có chiều dài từ 06 mét đến dưới 15 mét trước ngày Nghị định này có hiệu lực gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển nơi tàu cá hoạt động đưa vào hạn ngạch Giấy phép khai thác vùng bờ và vùng lộng của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển và phối hợp quản lý hoạt động của tàu cá.

(6) Tàu cá có chiều dài 06 mét trở lên phải vào cảng để bốc dỡ sản phẩm.

(Điều 43 Nghị định 26/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP))

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,987

Bài viết về

lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn