Thủ tục cấp căn cước điện tử (Đề xuất)

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
31/01/2024 11:07 AM

Căn cước điện tử là gì? Thủ tục cấp căn cước điện tử như thế nào? – Như Xuân (Thái Bình)

Thủ tục cấp căn cước điện tử (Đề xuất)

Thủ tục cấp căn cước điện tử (Đề xuất) (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Căn cước điện tử là gì?

Theo khoản 17 Điều 3 Luật Căn cước 2023, căn cước điện tử là căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.

Như vậy, căn cước điện tử chính là tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của công dân Việt Nam.

2. Thủ tục cấp căn cước điện tử (Đề xuất)

2.1. Thủ tục cấp căn cước điện tử đối với công dân đã được cấp thẻ căn cước

- Công dân đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước để làm thủ tục cấp căn cước điện tử. Công dân xuất trình thẻ căn cước, cung cấp thông tin về số thuê bao di động đã đăng ký thông tin thuê bao hoặc địa chỉ thư điện tử (nếu có) và đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào căn cước điện tử;

- Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin công dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; chụp ảnh khuôn mặt, thu nhận vân tay của công dân đến làm thủ tục (áp dụng đối với công dân từ đủ 6 tuổi trở lên) để xác thực với Cơ sở dữ liệu căn cước. Công dân ký, xác nhận việc đăng ký tạo lập căn cước điện tử;

- Cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử tiến hành kiểm tra, xác thực thông tin công dân đề nghị cấp căn cước điện tử và thông báo kết quả đăng ký cấp căn cước điện tử qua ứng dụng định danh quốc gia hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử;

- Người đại diện, người giám hộ đã có căn cước điện tử đưa công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi, người được giám hộ, người được đại diện đến cơ quan Công an và sử dụng số điện thoại di động đã đăng ký thông tin thuê bao của mình để thực hiện đăng ký cấp căn cước điện tử cho công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi, người được giám hộ, người được đại diện.

(Khoản 2 Điều 10 dự thảo Nghị định Quy định về định danh và xác thực điện tử, sẽ thay thế Nghị định 59/2022/NĐ-CP)

2.2. Thủ tục cấp căn cước điện tử đối với công dân chưa được cấp thẻ căn cước

- Công dân đến cơ quan Công an nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước để làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại căn cước; cung cấp thông tin về số thuê bao di động đã đăng ký thông tin thuê bao, địa chỉ thư điện tử (nếu có) và đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào căn cước điện tử;

- Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin công dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử. Công dân ký, xác nhận việc đăng ký tạo lập tài khoản định danh điện tử;

- Cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử tiến hành kiểm tra, xác thực thông tin công dân đề nghị cấp căn cước điện tử và thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng định danh quốc gia hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử;

- Người đại diện, người giám hộ đã có căn cước điện tử đưa công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi, người được giám hộ, người được đại diện đến cơ quan Công an nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước và sử dụng số điện thoại di động đã đăng ký thông tin thuê bao của mình để thực hiện đăng ký cấp căn cước điện tử cho công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi, người được giám hộ, người được đại diện.

(Khoản 3 Điều 10 dự thảo Nghị định Quy định về định danh và xác thực điện tử, sẽ thay thế Nghị định 59/2022/NĐ-CP)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,532

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn