Ô nhiễm môi trường: xử nhẹ nên bất chấp

26/11/2013 09:21 AM

Ngày 25-11, Quốc hội tập trung công tác lập pháp với việc thông qua Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật tiếp công dân và thảo luận dự án Luật xây dựng (sửa đổi), Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Thảo luận dự án Luật xây dựng, đại biểu Lê Trọng Sang (TP.HCM) cho rằng quy định về cấp giấy phép xây dựng tạm nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, hộ gia đình xây dựng công trình để kinh doanh hoặc cải thiện về nhà ở trong thời gian Nhà nước chưa thực hiện quy hoạch xây dựng là cần thiết. Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy định này theo quy định pháp luật hiện hành vẫn còn nhiều khó khăn, lúng túng, gây ra những bức xúc cho doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.

Dự thảo đã có quy định về điều kiện cấp giấy phép xây dựng tạm để gỡ khó, nhưng đại biểu Sang cho biết qua nghiên cứu kỹ dự thảo luật thì ông “vẫn thấy thất vọng” vì các quy định trong dự thảo luật gần như bất khả thi đối với người dân khi có nhu cầu xây dựng tạm.

Cấp phép xây dựng tạm vẫn bất khả thi

Ông Sang phân tích: “Dự thảo luật quy định muốn được cấp phép xây dựng tạm thì phải đủ điều kiện cấp phép xây dựng và phải phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt. Lấy ví dụ trường hợp cha mẹ có một mảnh đất nông nghiệp, muốn cấp nhà cho con trưởng thành ra ở riêng, đến cơ quan quản lý quy hoạch hỏi và được biết mảnh đất đó nằm trong quy hoạch khu đô thị mới. Vậy để được cấp phép xây dựng tạm khi khu đô thị chưa triển khai thì cán bộ cấp phép dựa vào quy hoạch xây dựng nào: quy hoạch chung về xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng hay quy hoạch chi tiết xây dựng?”. Đại biểu Sang đề nghị ban soạn thảo cần có những điều khoản cụ thể hơn để việc cấp phép xây dựng tạm mang tính khả thi.

"Họ biết đang làm sai luật và sẽ bị xử lý. Nhưng vì việc xử lý quá nhẹ nên họ bất chấp"

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương
(Cần Thơ)

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cho rằng dự thảo luật cần quy định thêm những trường hợp thực tế chủ đầu tư xin xây dựng nhà ở riêng lẻ, sau đó biến thành văn phòng, khách sạn mini, trường học, karaoke, quán bar... “Quy định cụ thể nội dung như thế nhằm hoàn chỉnh luật, đáp ứng yêu cầu thực tế. Qua đó chế tài được các hành vi sử dụng sai công năng của công trình, tránh được những hệ lụy khôn lường xảy ra liên quan đến tính mạng và tài sản của người dân” - ông Phương nói.

Nêu vấn đề ở các thành phố lớn hiện đang có những dự án đầu tư hiện đại, quy mô, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) đề nghị dự thảo luật cần có quy định phân rõ chức năng quản lý nhà nước về cấp và loại công trình đối với những loại dự án như vậy để tránh những bức xúc trong dư luận xã hội. Cụ thể như ở Hà Nội có khu đô thị Royal City là một tổ hợp rất lớn về quy mô. đây là một công trình được đánh giá rất cao về mặt tổ chức không gian, quy hoạch và thiết kế, nhưng đằng sau đấy là hiểm họa về tất cả các dịch vụ, từ giao thông cho đến môi trường sống. Ở đây lỗi không phải do chủ đầu tư mà hoàn toàn do quản lý nhà nước. Ông Bảo nói: “Luật xây dựng (sửa đổi) lần này phải đề cập đến cấp công trình và loại công trình để phân cấp quản lý”.

Gây ô nhiễm nặng phải xử lý hình sự

Chiều 25-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật bảo vệ môi trường. Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (TP Cần Thơ) ta thán về việc thời gian qua có rất nhiều tổ chức, cá nhân xả thải vào môi trường, chôn lấp chất thải sai quy định, phá rừng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. “Thế nhưng những tổ chức, cá nhân này có biết là họ đang làm sai luật và sẽ bị xử lý không? Tôi tin là họ biết nhưng vì việc xử lý quá nhẹ nên họ bất chấp” - ông Phương đặt câu hỏi rồi tự trả lời. Ông Phương khẳng định quan trọng nhất vẫn là quản lý nhà nước về môi trường. Thế nhưng trong dự thảo luật, phần quản lý nhà nước cần được xem lại cho chặt chẽ, rõ ràng, thực chất.

"Lâu nay chưa có vụ gây ô nhiễm môi trường nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự cả. Toàn xử phạt hành chính khiến doanh nghiệp không biết sợ là gì"

Đại biểu Nguyễn Văn Phụng(TP.HCM)

“Lâu nay chưa có vụ gây ô nhiễm môi trường nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự cả. Toàn xử phạt hành chính khiến doanh nghiệp không biết sợ là gì” - đại biểu Nguyễn Văn Phụng (TP.HCM) bức xúc nhận xét. Ông Phụng đề nghị ban soạn thảo nên nghiên cứu vấn đề này, nếu gây ô nhiễm nghiêm trọng cần thiết thì phải xử lý hình sự.

Đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) không yên tâm khi thấy dự thảo chưa đề cập thời gian phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bà Nga phân tích thêm: “Trong quy định hiện hành thì thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường phải tiến hành đồng thời với quá trình lập dự án đầu tư, tức sau khi nhà đầu tư đã xin được chủ trương, thỏa thuận địa điểm thực hiện dự án. Quy định như vậy là làm mất tác dụng của báo cáo đánh giá tác động môi trường. đề nghị cơ quan soạn thảo nên quy định lại cho hợp lý”.

Cũng theo bà Nga, dự thảo đã quy định trách nhiệm trước pháp luật của nhà đầu tư về kết quả đánh giá tác động môi trường, quy định trách nhiệm trước pháp luật của tổ tư vấn về thông tin số liệu do mình lập trong báo cáo. Tuy nhiên, thực tế hoạt động đánh giá tác động môi trường chủ yếu là thực hiện hợp đồng kinh tế giữa chủ đầu tư và cơ quan tư vấn, cho nên báo cáo đánh giá này khó phản ánh khách quan toàn bộ các tác động của dự án đối với môi trường. “Việc phản biện kết quả đánh giá là rất quan trọng. Tôi đề nghị bổ sung trách nhiệm của hội đồng thẩm định và người tham gia phản biện trong thẩm định cũng như người phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường” - bà Nga nói.

Không chấp nhận việc ký quỹ bảo vệ môi trường

Cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Trước đó, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần có quy định về việc ký quỹ bảo vệ môi trường (BVMT) đối với một số loại bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có nguy cơ cao, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường. Tuy nhiên, đề nghị này không được chấp thuận.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng ở các nước có nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn như Mỹ, Nhật... thì vấn đề ký quỹ BVMT trong thu gom thùng/téc với dung tích rất lớn chứa thuốc BVTV sau sử dụng là phổ biến. Tuy nhiên, trong điều kiện canh tác nông nghiệp của nước ta còn ở quy mô nhỏ lẻ, sản xuất hộ gia đình, thuốc BVTV chủ yếu đựng trong chai, lọ, bao nilông nhỏ, lượng bao gói thuốc BVTV đã qua sử dụng khá lớn (khoảng 7.000 tấn/năm). Nếu quy định việc ký quỹ BVMT đối với bao gói thuốc BVTV sẽ nảy sinh thêm vấn đề hộ gia đình, cá nhân tự thu gom, cất giữ bao gói thuốc BVTV đã qua sử dụng để được hoàn lại chi phí đã bỏ ra. Đây là một công việc rất đáng lo ngại vì việc thu gom, cất giữ bao gói thuốc BVTV đã qua sử dụng nhưng vẫn còn dính thuốc ở trong nhà hoặc gần khu vực sinh sống sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân, nguồn nước sinh hoạt và môi trường.

Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Luật tiếp công dân với tỉ lệ tán thành 84,14%. Trước đó, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, có ý kiến cho rằng quy định địa điểm tiếp công dân “phải khang trang, lịch sự” là chưa phù hợp với điều kiện khó khăn của đất nước hiện nay, ban soạn thảo đã tiếp thu và cho chỉnh lý quy định này, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết việc bố trí cơ sở vật chất của địa điểm tiếp công dân để phù hợp với tình hình thực tiễn trong từng thời kỳ, trên nguyên tắc việc bố trí địa điểm tiếp công dân phải đảm bảo tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và tầm quan trọng của công tác này.

V.V.Thành - Mai Hương

Theo Tuổi Trẻ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,535

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn