Chỉ nên áp dụng hai mức tín nhiệm

28/09/2013 14:10 PM

Chiều 27-9, tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (Hà Nội), trả lời vấn đề được nhiều cử tri quan tâm là việc lấy phiếu tín nhiệm ở kỳ họp Quốc hội vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định dư luận chung bước đầu đánh giá có tác dụng tốt.

“Việc lấy phiếu tín nhiệm chí ít là răn đe, cảnh báo, ngăn chặn, cốt để giáo dục, rèn luyện là chính chứ không phải thay người này, bỏ người kia. Tất nhiên cần thiết ta phải thay” - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.

Ra khỏi nhà, không có tiền là việc không trôi

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ với cử tri rằng bây giờ đi ra ngoài nhà thấy cái gì cũng phải tiền, không có tiền không trôi, rất là khó chịu, tham nhũng lớn cũng có rồi còn tham nhũng nhỏ như ngứa ghẻ hằng ngày, thành bệnh rất khó sửa. Chính vì thế Đảng, Nhà nước ta quyết tâm phòng chống tham nhũng bằng nhiều biện pháp, khi phát hiện phải xử lý nghiêm.

Nên chăng trong Đảng cũng lấy phiếu tín nhiệm?

Cử tri Nguyễn Văn Sơn (phường Quán Thánh) cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm vừa qua được người dân đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, để đảm bảo thực chất của việc lấy phiếu tín nhiệm, chỉ nên áp dụng hai mức tín nhiệm và không tín nhiệm thay cho ba mức (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp) mà Quốc hội đã tiến hành.

Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau khi Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, đã có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này, bên cạnh việc ghi nhận đây là một bước tiến, đã có cử tri nêu băn khoăn nếu năm nào cũng lấy phiếu thế này rồi cứ loanh quanh đối phó với chuyện lấy phiếu tín nhiệm thì còn làm ăn gì nữa?

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói dư luận còn ý kiến khác nhau vì đây là vấn đề mới, vấn đề khó, ta chưa làm bao giờ và trên thế giới cũng chưa ai làm như chúng ta. Tổng bí thư cho biết: “Các nước là bỏ phiếu bất tín nhiệm, còn đối với tập thể chính phủ thì người ta bỏ phiếu tín nhiệm, nếu cần thay đổi cả chính phủ. Còn ở ta là lấy phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh, và cùng một lúc lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 người từ Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ trở xuống”.

Tổng bí thư nêu vấn đề nên chăng có cách làm phù hợp hơn, trong Đảng cũng lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội cũng lấy phiếu tín nhiệm, HĐND cũng lấy phiếu tín nhiệm, có địa phương đang định mở rộng hơn... “Chúng tôi lắng nghe, tiếp thu ý kiến cử tri và sẽ bàn bạc chung. Không chỉ Quốc hội mà kể cả bên Đảng cũng phải rút kinh nghiệm sao cho có tác dụng tốt. Có ý kiến cho rằng nếu không cẩn thận trong lấy phiếu tín nhiệm các cơ quan Quốc hội thường phiếu rất cao, bên Chính phủ điều hành xung trận như thế, vất vả, gian khổ như thế thì phiếu thấp. Anh nào càng làm thì phiếu càng thấp, thế thì khuyến khích anh không làm hay sao? Phải tính toán cho kỹ”.

Tham nhũng: sốt ruột, bức xúc

Phát biểu xung quanh vấn đề phòng chống tham nhũng của cử tri Nguyễn Khắc Thịnh (phường Giảng Võ) nhận được tràng pháo tay vang dội trong hội trường.

Ông Thịnh nói rằng trong những ngày gần đây, dư luận rất bức xúc về những vụ tiêu cực xảy ra, từ ăn bớt văcxin, “nhân bản” xét nghiệm huyết học đến “nhân bản” nhà tình nghĩa...

“Kể ra thì nhiều lắm, đến mức Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khi đi kiểm tra cơ sở đã phải thốt lên “Người ta “ăn” của dân không từ một thứ gì”. Hay Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng phải lên tiếng người ta chơi chỗ này chỗ kia, ăn ở nhà hàng này nhà hàng kia, người ta chạy ghế này ghế kia, cái đấy chẳng từ tiền tham nhũng thì ở đâu mà ra. Nói vậy để thấy rằng cử tri chúng tôi thấy tham nhũng chưa bớt. Tham nhũng không giảm, tham nhũng còn nghiêm trọng hơn, nguy hiểm hơn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phải đặt câu hỏi có tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng hay không? Còn với cử tri chúng tôi thấy rằng giơ cao mà đánh khẽ” - ông Thịnh bày tỏ bức xúc.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tình trạng tham nhũng, lãng phí là vấn đề nhức nhối, “ai cũng có thể nói được về vấn đề này, tôi có thể nói mấy tiếng đồng hồ, sốt ruột, bức xúc, mà không phải bây giờ, cách đây vài chục năm các đồng chí lãnh đạo đã nói đây là quốc nạn, là giặc nội xâm”.

Theo Tổng bí thư, nếu có quyền mà không kiểm soát dễ sinh ra hư hỏng, bên cạnh tham nhũng thì lãng phí cũng ghê gớm, có con số thống kê là lãng phí còn nhiều hơn tham nhũng, lãng phí từ thời gian, công sức, tiền bạc, hình thức chủ nghĩa...

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Điều quan trọng là làm sao cho cán bộ công chức phải trong sạch. Vừa rồi với nghị quyết trung ương 4 và các nghị quyết của Đảng thì chúng ta đang tập trung làm, đây chính là mong muốn chống cho được lợi ích nhóm, cục bộ, suy thoái trong cán bộ, đảng viên, kể cả trong cán bộ lãnh đạo, quản lý”.

Đối với lo ngại “không cẩn thận rồi trong cơ quan chống tham nhũng cũng có tham nhũng”, Tổng bí thư nói có thể lo ngại này đề cập một số khâu trong quá trình xử lý án tham nhũng, ví dụ như khâu giám định.

Theo quy trình, khi phát hiện thì khởi tố, rồi phải đi điều tra, rồi phải giám định xem vụ việc thế nào, không cẩn thận khâu giám định bị méo mó, án kéo dài ra...

Tổng bí thư cho biết vừa qua trong hoạt động của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng tập trung tháo gỡ những khâu vướng mắc, có cơ chế giao thẩm quyền cho cơ quan chức năng, nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo lên cấp nào đều có quy định rõ ràng. “Thấy nói nhiều mà không xử được thì không tốt, cứ làm một số vụ việc cụ thể đỡ giải thích” - Tổng bí thư nói.

Võ Văn Thành - Xuân Long

Theo Tuổi Trẻ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,410

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn