Đề xuất đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước: Có bắt buộc phải đi đổi lại?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
27/10/2023 08:15 AM

Dự thảo Luật Căn cước có đề xuất đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước, vậy trường hợp này có phải đi đổi sang thẻ căn cước mới không?

Đề xuất đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước

Dự thảo Luật Căn cước (thay thế Luật Căn cước công dân 2014) được trình lên Quốc hội với nhiều điểm mới nổi bật liên quan đến thẻ căn cước.

Về tên gọi của Luật, việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với bản chất và mục tiêu quản lý căn cước của Nhà nước; phù hợp với phương thức quản lý trong thời kỳ cách mạng 4.0, xây dựng Chính phủ số, xã hội số.

Việc sử dụng tên gọi thẻ căn cước như dự thảo Luật là phù hợp, sẽ bao hàm được đầy đủ thông tin về căn cước của công dân. Do đó, đề xuất đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước.

Dự thảo Luật Căn cước định nghĩa: Thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này.

Về người được cấp thẻ căn cước, tại khoản 3 Điều 19 dự thảo Luật quy định: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước. Người dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước theo nhu cầu”.

Nội dung thể hiện trên thẻ căn cước được sửa đổi, bổ sung theo hướng được bỏ vân tay, sửa đổi quy định về thông tin số thẻ, căn cước, dòng chữ Căn cước công dân, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, dòng chữ thẻ căn cước nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú.  Các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chip điện tử trên thẻ Căn cước.

Ngoài ra, việc chỉnh lý thông tin nơi thường trú in trên thẻ Căn cước công dân thành nơi cư trú in trên thẻ Căn cước là phù hợp với thực tiễn vì nhiều người hiện nay chỉ có nơi tạm trú, nơi ở hiện tại hoặc không có nơi thường trú, nơi tạm trú.

Đề xuất đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước

Đề xuất đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước (Hình từ internet)

Có bắt buộc phải đi đổi sang thẻ căn cước mới không?

Theo đề xuất trên, tên thẻ căn cước công dân sẽ được đổi thành thẻ căn cước, nên có nhiều thắc mắc liên quan đến việc có bắt buộc đi đổi sang thẻ căn cước mới hay không?

Về vấn đề này thì tại điều khoản chuyển tiếp của Dự thảo Luật Căn cước có quy định:

Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ, được cấp đổi sang thẻ căn cước khi công dân có yêu cầu.

Như vậy, nếu người dân đã được cấp thẻ căn cước công dân thì được tiếp tục sử dụng, không bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước mới. Nếu người dân có nhu cầu thì sẽ được đổi sang loại thẻ mới.

Ngoài ra, chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng.

Thẻ căn cước công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị như thẻ căn cước được quy định tại Luật này.

Thẻ căn cước gắn chíp không theo dõi người dân

Trước ý kiến băn khoăn về phản ánh của nhân dân về việc khi sử dụng chip hoặc mã QR trên thẻ căn cước thì có bị theo dõi không, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, việc sử dụng thẻ căn cước có gắn chip điện tử, mã QR và căn cước điện tử không bị theo dõi và không thể theo dõi được.

Bộ Công an hay bất cứ một cơ quan nào không được theo dõi và không thể theo dõi được trên cấu tạo của thẻ này.

Đồng thời, Bộ Công an cũng phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh cho con người, cho công dân, cho những người sử dụng thẻ căn cước này không bị theo dõi bởi bất kể một tổ chức, cá nhân nào; không thể lợi dụng được những việc đó để theo dõi việc này, cũng như bảo đảm an ninh, an toàn về dữ liệu của công dân đã được khai báo và tích hợp.

Xem thêm nội dung tại Dự thảo Luật Căn cước.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,724

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn