Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng nói như vậy tại phiên giải trình “Về phân bổ nguồn lực và cơ chế điều hành thực hiện chính sách giảm nghèo” chiều 24-9.
Một đồng cho người nghèo, hai đồng cho hành chính
Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết trong giai đoạn 2005-2012 đã huy động tổng các nguồn vốn lên đến hơn 542.000 tỉ đồng cho các chương trình, dự án giảm nghèo.
Phần lớn trong số 16 chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện là ưu tiên cho vùng nghèo, hướng về vùng khó khăn.
Bên cạnh tính tích cực của các chương trình hoặc dự án giảm nghèo thì cũng nảy sinh những bất cập như sự chồng chéo, trùng lắp, lãng phí.
“Còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn nhà nước tồn tại ở không ít địa phương và bản thân người nghèo. Không ít địa phương, cơ quan vẫn coi giảm nghèo là một phong trào, chưa đi sâu vào thực chất” - bà Chuyền cho hay.
Tuy số tiền đầu tư không nhỏ nhưng theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Đặng Huy Đông, tỉ lệ chi hành chính, sự nghiệp đến hơn 63%, chi đầu tư phát triển chỉ hơn 36%. Con số này cho thấy bộ máy quản lý các chương trình, dự án giảm nghèo quá đồ sộ. Chỉ khi nào chi đầu tư phát triển cao hơn mới là chi “cần câu”, chứ không phải chi “con cá”, ông Đông bình luận.
Theo ông, trong thực hiện các dự án giảm nghèo có tình trạng nhiều địa phương thiếu ý tưởng mà chỉ dựa vào ý tưởng của nhà tài trợ, nhưng ý tưởng của nhà tài trợ nhiều khi lại không phù hợp thực tế.
“Đang có tình trạng hội chứng ban chỉ đạo, có quá nhiều chương trình mục tiêu dẫn đến quá nhiều ban chỉ đạo, mỗi ban chỉ đạo lại có bộ máy riêng, chi phí hành chính rất lớn” - đại biểu Bùi Ngọc Chương bình luận. Trong khi đó theo đại biểu Nguyễn Văn Tính, “chưa thấy báo cáo đưa ra được mô hình giảm nghèo ưu việt để nhân rộng”.
Giảm chương trình, cắt bớt bộ máy
Làm phép tính nhẩm đơn giản, ông Đỗ Mạnh Hùng cho biết nếu lấy tổng số tiền đầu tư cho chính sách giảm nghèo mỗi năm chia cho tổng số hộ nghèo thì trung bình mỗi hộ nghèo nhận 180 triệu đồng/năm. “Vậy phải tính rõ là chi bao nhiêu cho trực tiếp, bao nhiêu cho gián tiếp?” - ông Hùng hỏi.
Đại biểu Đặng Thuần Phong cho rằng nếu tính nguồn vốn đầu tư như vậy là lớn “nhưng mỗi chương trình, chính sách lại có kiểu giải ngân, quản lý riêng và chi cho sự nghiệp quá lớn như vậy thì sao có hiệu quả cao được? Sắp tới phải làm gì?”.
Theo bà Phạm Thị Hải Chuyền, trong biểu hiện của ỷ lại có nguyên nhân từ chính sách. “Hiện nay các chính sách hỗ trợ trực tiếp tương đối nhiều, từ y tế, giáo dục, đất đai... Rồi chính sách ưu đãi cho vay vốn, đào tạo việc làm... nên nhiều hộ không muốn ra khỏi danh sách nghèo.
Chúng tôi đang nghiên cứu để đổi mới chính sách. Chúng tôi đề nghị tới đây giảm dần các chính sách cho không, tăng chính sách cho vay. Tuy nhiên, cũng còn có nguyên nhân thực tế là chuẩn nghèo của chúng ta thấp (400.000 đồng/tháng đối với nông thôn và 500.000 đồng/tháng đối với thành thị). Vì vậy có người vượt qua chuẩn này rồi nhưng thật ra vẫn nghèo, vẫn cần hỗ trợ trực tiếp” - bà Chuyền nói.
Để khắc phục tình trạng quá nhiều chương trình mục tiêu và quá nhiều ban chỉ đạo, bà Chuyền cho biết vừa qua Chính phủ đã bàn và thống nhất sẽ nghiên cứu theo phương án từ năm 2015 chỉ còn hai chương trình mục tiêu quốc gia chính là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo, các chương trình còn lại giao về địa phương và coi đó là nhiệm vụ thường xuyên.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông đồng tình với việc giảm mạnh số lượng các chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng tập trung nguồn lực, giảm đầu mối và tăng cường giao cho cộng đồng quản lý.
“Tới đây, những dự án dưới 3 tỉ đồng chúng ta sẽ giao cho cộng đồng quản lý. Các hội phụ lão, hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên dưới cơ sở họ quản lý rất tốt, khó thất thoát, bởi đấy là những chương trình đầu tư cho chính họ hưởng lợi” - ông Đông bày tỏ.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết đây mới chỉ là phiên họp mở màn chương trình giám sát tối cao quy mô của Quốc hội.
“Câu hỏi lớn cần phải trả lời là đầu tư nguồn lực như vậy thì kết quả đạt được đã tương xứng chưa? Tại sao thực tế chưa bố trí đủ nguồn lực như kế hoạch nhưng báo cáo đều cho thấy kết quả thắng lợi? Các chương trình thiếu lồng ghép, lãng phí ở mức độ nào? Tại sao trong văn hóa của người VN là lòng tự trọng, không muốn người khác thương hại, nhưng trên thực tế lại không muốn ra khỏi danh sách hộ nghèo?” - bà Mai đặt hàng loạt câu hỏi và đề nghị các bộ, ngành tiếp tục chuẩn bị trả lời.
Lê Kiên
Theo Tuổi Trẻ