Theo số liệu của Hiệp hội Xăng dầu, tính tới ngày 2/9, giá xăng RON 92 thế giới đã lên tới 117,59 USD một thùng, tăng hơn 2 USD so với 30 ngày trước đó và có thời điểm còn lên tới gần 119 USD một thùng.
Tính bình quân 30 ngày, doanh nghiệp đang lỗ khoảng 336 đồng một lít xăng, chưa tính đến việc sử dụng quỹ bình ổn. Tương tự, mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa cũng đang lỗ từ 507 đến 1.088 đồng một lít.
Doanh nghiệp xăng dầu kêu lỗ. Ảnh: Anh Quân |
Trước vấn đề này, tại buổi họp báo của Bộ Công Thương chiều 3/9, trả lời câu hỏi của VnExpress.net
về việc điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới, ông Võ Văn Quyền -
Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước nhìn nhận một tuần vừa qua do sự bất
ổn chính trị mà giá xăng dầu thế giới tăng cao, dẫn đến tình trạng xăng
dầu đang lỗ như hiện nay.
Tuy nhiên, ông khẳng định liên Bộ vẫn chưa có phương án tăng giá dù
khoảng cách giữa hai lần điều chỉnh gần nhất đã được 10 ngày (gần đây
nhất là vào 22/8) mà cần được theo dõi vì đây có nguyên nhân là do đầu
cơ và tình hình chính trị bất ổn.
"Điều hành giá xăng dầu phải tuân theo Nghị định 84, không phải giá thế
giới lên thì trong nước lên ngay, giảm là giảm ngay, nếu không sẽ tăng
rất nhiều lần trong thời gian qua", vị này nói.
Liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 84, ông Quyền cho hay hiện nay
Chính phủ đã giao Bộ Công thương soạn thảo Nghị định mới thay thế trên
cơ sở tiếp thu ý kiến có chọn lọc của những lần dự thảo trước đó.
"Bộ Công thương đã gửi văn bản sang Bộ Tư pháp thẩm định, lấy ý kiến
các đơn vị liên quan. Hy vọng trong tuần này văn bản sẽ được chuyển lại
cho Bộ Công thương", vị này thông tin.
Ông cũng khẳng định việc xây dựng Nghị định mới sẽ vẫn đảm bảo giá xăng
dầu là do Nhà nước kiểm soát, không có chuyện giao trọn quyền cho doanh
nghiệp tự quyết. "Việc điều hành giá tiệm cận với thị trường là ở mức
cho doanh nghiệp chủ động hơn, nhưng việc ra giá, chọn thời điểm thì vẫn
phải do liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định, dựa trên Nghị định
84", lãnh đạo Bộ Công thương bày tỏ.
Đánh giá tác động của việc tăng giá xăng dầu đến chỉ số giá tiêu dùng
(CPI) tháng 8, vị này nhận định trong mức tăng 0,83% của tháng vừa qua,
giá nhóm hàng giao thông có quyền số 8,87% chỉ góp phần khiến CPI tăng
khoảng 0,1%.
Tại buổi họp báo, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cũng cho biết Bộ
Công Thương đã có văn bản yêu cầu ngừng lưu thông xăng A83, tuy nhiên thời gian tới vẫn phải tính toán lượng tồn khi chuyển từ A83
sang A92 cho phù hợp.
Huyền Thư
VNEXPRESS