Thật như… đùa chuyện khống chế "trần tỷ lệ tốt nghiệp"

31/07/2013 18:02 PM

Dư luận chưa hết ngỡ ngàng với quy định của Bộ GD- ĐT cho mẹ Việt Nam anh hùng được cộng điểm thi ĐH thì tuần qua câu chuyện “khống chế điểm trần thi tốt nghiệp” lại một lần nữa làm nóng các diễn đàn.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2012 - 2013 vừa được tổ chức tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã thông báo một quyết định của Bộ: “Toàn ngành giáo dục đã quyết định tỷ lệ tốt nghiệp THPT không được vượt quá tỷ lệ tốt nghiệp những năm trước”.

 

Ngay sau khi thông tin lọt ra, trước sự bức xúc của dư luận, ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT lý giải: “Với các yếu tố của quá trình dạy học còn nhiều hạn chế hiện nay, ai cũng hiểu được rằng tỷ lệ tốt nghiệp THPT tăng chạm ngưỡng tối đa là thực chất hay chưa thực chất. Nếu tỷ lệ quá cao của năm trước đã không thực chất thì việc tiếp tục tăng thêm nữa vào năm sau càng thể hiện sự thiếu quyết tâm thi thực chất. Bởi vậy, việc Bộ GDĐT bàn bạc trao đổi và thống nhất không tăng tỷ lệ tốt nghiệp là không hề vô lý”.

 

Theo PGS Trần Xuân Nhĩ,  nguyên Thứ trưởng Bộ GD- ĐT thì đó là những việc làm, lời nói khó hiểu. Nhưng có lẽ nó lại dễ hiểu, là bởi cả hệ thống giáo dục mải miết chạy theo thành tích, nó thành bệnh vụ thành tích. Thế nên cái câu chuyện địa phương nào tỉ lệ học sinh tốt nghiệp cao bị cắt thi đua, bình thường thì là mâu thuẫn, vô lý, bất thường, nhưng xét trong tổng thể cả cái guồng đó, nó lại là điều rất hợp lý.

 

 

Theo thống kê, tỷ lệ tốt nghiệp THPT bình quân của cả nước năm nay là 97,52%, giảm 1,45% so với năm ngoái. Bình luận về kết quả này, PGS Nhĩ nhận định, một kỳ thi thực chất mà kết quả có tới gần 100% học sinh đỗ tốt nghiệp và nhà nước phải bỏ ra cả nghìn tỉ đồng để cũng chỉ loại ra được 1-2% học sinh trượt tốt nghiệp thì không nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.

 

“Cũng có ý kiến cho rằng, ta nên bỏ phắt kỳ thi tốt nghiệp đi, nhưng theo tôi không nên bỏ, vì có học thì phải có thi, vấn đề là thi làm sao để đánh giá được thực chất của học sinh. Nhưng tất cả lại đang đi vào vòng luẩn quẩn, càng gỡ, càng rối.

 

Vậy nên cần có sự cải cách nền giáo dục một cách thực sự thì có thể chấp nhận được ngay thôi. Tôi nhấn mạnh, nền giáo dục cần có cuộc cải cách, chứ không phải là đổi mới. Cái thay đổi cần thiết đầu tiên chính là tư duy của người lãnh đạo. Lãnh đạo phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, đừng quá bảo thủ, lạc hậu nữa”- PGS Trần Xuân Nhĩ thẳng thắn.

 

Đồng quan điểm trên, PGS Văn Như Cương bày tỏ “Bộ GD không thể chống tiêu cực bằng một biện pháp tiêu cực. Thay vào đó, Bộ nên mạnh dạn giao quyền cho các địa phương tổ chức thi. Và khi đã giao quyền thì địa phương phải có trách nhiệm.

 

Chúng ta đều biết là với một học lực trung bình học sinh đã đỗ tốt nghiệp thì không cần thiết tổ chức một kỳ thi quốc gia gây tốn kém mỗi năm như vậy. Quan điểm của tôi là có học phải có thi, nhưng phải thay đổi thực sự, chương trình hiện nay quá nặng, thừa thãi kiến thức, học sinh học xong rồi cũng không áp dụng vào đâu, mà học chỉ để thi thì không nên học”.

 

Và vô hình chung, sự việc này một lần nữa khiến cho nhiều người liên tưởng tới hàng loạt câu chuyện “chống tiêu cực” gây sốc xảy ra ở Bộ GD thời gian qua.

 

Bộ có công văn yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo cơ quan truyền thông trao đổi trước khi đăng thông tin tiêu cực thi cử nhạy cảm; nào là bỏ thi văn vào các trường nghệ thuật để tạo điều kiện cho thí sinh thi năng khiếu; ưu tiên cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng khi thi đại học và người hoạt động cách mạng trước năm 1945…

 

Dù có thể hiểu như Bộ GD- ĐT lý giải, rằng Bộ đang quyết liệt đưa ra những giải pháp mạnh tay để chống tiêu cực, tuy nhiên chỉ khi nào chất lượng GD không còn là nỗi ám ảnh của câu chuyện thành tích thì lúc đó những giải pháp mới không còn rơi vào khó hiểu và tình thế như hiện nay…

 

Miên Thảo

Theo phapluatvn.vn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,725

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]