Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và HĐND bầu

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
11/07/2023 16:10 PM

Quốc hội ban hành Nghị quyết 96/2023/QH15, trong đó có quy định quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và HĐND bầu.

Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và HĐND bầu

Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và HĐND bầu (Hinh từ internet)

 Mục đích, yêu cầu lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

Căn cứ quy định tại Điều 4 Nghị quyết 96/2023/QH15 đề cập về mục đích, yêu cầu lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm như sau:

- Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.

-Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải được thực hiện theo Nghị quyết này và quy định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm thực chất, góp phần tăng cường niềm tin của cử tri và Nhân dân. Các hành vi vi phạm pháp luật về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

Theo Điều 15 Nghị quyết 96/2023/QH15 quy định quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn bao gồm:

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp Quốc hội.

- Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội hoặc Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội trong trường hợp khuyết Trưởng Đoàn để trao đổi về các vấn đề có liên quan.

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo trước Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội.

- Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm trình bày ý kiến (nếu có) trước Quốc hội.

- Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu.

- Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm”, “không tín nhiệm”.

- Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu.

- Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu

Căn cứ Điều 16 Nghị quyết 96/2023/QH15 quy định về quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu như sau:

- Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu tại kỳ họp Hội đồng nhân dân.

- Đại biểu Hội đồng nhân dân thảo luận tại Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân.

- Thường trực Hội đồng nhân dân báo cáo trước Hội đồng nhân dân kết quả thảo luận tại Tổ.

- Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm trình bày ý kiến (nếu có) trước Hội đồng nhân dân.

- Hội đồng nhân dân thành lập Ban kiểm phiếu.

- Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm”, “không tín nhiệm”.

- Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu.

- Hội đồng nhân dân xem xét, thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân.

Ngoài ra, tại Điều 17 Nghị quyết 96/2023/QH15 quy định về hệ quả đối với người được bỏ phiếu tín nhiệm như sau:

Người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số phiếu đánh giá “không tín nhiệm” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Nguyễn Phạm Nhựt Tân

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,565

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn