Sẽ xây dựng Luật Nhà giáo với 05 chính sách quan trọng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
10/07/2023 14:03 PM

Sẽ xây dựng Luật Nhà giáo với 05 chính sách quan trọng là một nội dung quan trọng tại Nghị quyết 95/NQ-CP ngày 07/7/2023 do Chính phủ ban hành.

Sẽ xây dựng Luật Nhà giáo với 05 chính sách quan trọng

Sẽ xây dựng Luật Nhà giáo với 05 chính sách quan trọng (Hình từ Internet)

Ngày 07/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 95/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2023.

Sẽ xây dựng Luật Nhà Giáo với 05 chính sách quan trọng

Theo đó, Chính phủ nhất trí thông qua đề xuất của Bộ Giáo dục về sự cần thiết ban hành Luật và 05 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo gồm:

- Chính sách 1: Định danh nhà giáo;

- Chính sách 2: Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo;

- Chính sách 3: Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo;

- Chính sách 4: Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo;

- Chính sách 5: Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện các nội dung sau đây trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo:

- Nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về lĩnh vực nhà giáo; tổng kết, rà soát kỹ lưỡng pháp luật hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

- Trong quá trình soạn thảo Luật, cần khắc phục các bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay để thiết kế các chính sách theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, có tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp với vai trò, vị trí việc làm của nhà giáo, có chính sách ưu đãi, khen thưởng, tôn vinh phù hợp.

- Nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế, tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, truyền thông chính sách để tăng tính thuyết phục khi thông qua chính sách, bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện khi luật được ban hành.

- Đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo là xây dựng luật mới, khó, đối tượng rộng, tác động lớn, có nhiều chính sách quan trọng, liên quan đến nhiều luật, do đó cần có chính sách ưu tiên về nguồn lực và tổ chức thực hiện.

- Thời gian dự kiến để trình Chính phủ, Quốc hội thông qua không nhiều nên Bộ Giáo dục phải chủ động bố trí nguồn lực về tài chính, chuyên gia để soạn thảo luật, bảo đảm đúng tiến độ, nâng cao chất lượng của dự án Luật khi trình Chính phủ.

Ngoài ra, Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chính phủ thống nhất 04 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi)

Cụ thể tại Nghị quyết 95/NQ-CP, Chính phủ cơ bản thống nhất với 04 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật như đề xuất của Bộ Công Thương, bao gồm:

(1) Phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại;

(2) Quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời;

(3) Quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm;

(4) Nâng cao hiệu quả bảo đảm an toàn hóa chất.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Thành viên Chính phủ, hoàn thiện các nội dung chủ yếu sau:

- Nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng trong lĩnh vực hóa chất, tổng kết, rà soát các quy định pháp luật có liên quan để khắc phục các vướng mắc, bất cập của Luật Hóa chất hiện hành, phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay cũng như các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

- Nghiên cứu hoàn thiện các nội dung chính sách theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền quản lý cho chính quyền địa phương, tuân thủ các quy luật cạnh tranh, cung cầu của thị trường, sửa đổi toàn diện Luật hóa chất 2007 để quản lý theo vòng đời hóa chất, bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường trong kinh doanh, sử dụng, tiêu dùng, lưu trữ và bảo quản hóa chất.

- Hoàn thiện Báo cáo tổng kết thi hành Luật Hóa chất hiện hành, Báo cáo đánh giá tác động chính sách và các tài liệu có liên quan trong hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật; xác định rõ các vấn đề bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành, nguyên nhân của các bất cập, vướng mắc và phương hướng sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật;....

- Rà soát, bảo đảm các chính sách, giải pháp thực hiện chính sách, phương án sửa đổi, bổ sung Luật Hóa chất hiện hành đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Đầu tư, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật Trồng trọt, Luật Phòng thủ dân sự và các luật khác có liên quan, phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

- Hoàn thiện nội dung chính sách và giải pháp thực hiện chính sách về quản lý nhà nước trong lĩnh vực hóa chất; thể hiện rõ chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về hóa chất và Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,683

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn