Tuy nhiên, tại dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (dự thảo mới nhất lần thứ 6), Bộ GTVT đã đề nghị bỏ tất cả chế tài trên với lý do “không phù hợp”.
Bỏ phạt vì yếu về căn cứ pháp lý
Theo một thành viên ban soạn thảo, bản dự thảo lần này đã tiếp thu rất nhiều ý kiến đóng góp của các bộ ngành, địa phương và nhân dân. Trong quá trình lấy ý kiến cũng có rất nhiều những ý kiến trái chiều nhau xung quanh quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện.
Ý kiến đồng ý phạt thì cho rằng phương tiện tham gia giao thông là nguồn nguy hiểm cao độ, cần phải được quản lý chặt chẽ và có chuyển quyền sở hữu thì mới có thể xác định được vi phạm qua camera. Do đó, vẫn nên quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị vẫn quy định nhưng giảm mức phạt tiền xuống thấp hơn, chứ mức phạt tiền như hiện hành (xe máy là 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng, còn ô tô từ 6 đến 10 triệu đồng) là quá cao, không phù hợp.
Theo dự thảo của Bộ GTVT, các hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện sẽ không bị xử phạt. Ảnh: HTD
Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng đưa những nội dung trên vào nghị định là chưa đủ căn cứ về mặt pháp lý.
Tương tự như vậy, dự thảo mới nhất cũng bỏ quy định xử phạt đối với hành vi “không mua hoặc nộp phí cho phương tiện tham gia giao thông”. Lý do là vì vẫn còn nhiều lấn cấn xung quanh việc xác định hành vi này do lĩnh vực phí và lệ phí điều chỉnh hay do lĩnh vực giao thông điều chỉnh. “Nếu chúng ta vẫn cứ đưa vào nghị định thì chắc chắn sẽ còn gây ra nhiều tranh cãi, gây khó khăn, phiền hà cho người dân. Do đó không đưa vào là phù hợp” - vị lãnh đạo trên nói.
Ngoài ra, dự thảo cũng không quy định xử phạt đối với hành vi đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn. Tuy nhiên, đối với các trường hợp không đội hoặc đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai thì vẫn bị phạt như thường.
Một hành vi, hai đối tượng bị phạt
Một điểm mới nữa của dự thảo lần này là bổ sung chế tài xử phạt đối với cả chủ xe có phương tiện đang lưu hành nhưng không gắn hộp đen hoặc gắn nhưng thiết bị không hoạt động, không đúng chuẩn theo quy định thay vì chỉ phạt lái xe như hiện nay.Cụ thể, đối với lái xe, khi để xảy ra vi phạm trên sẽ bị phạt từ 2-3 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong vòng 30 ngày; còn doanh nghiệp, tổ chức sẽ bị phạt từ 6-10 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động đối với phương tiện đó cho đến khi khắc phục xong vi phạm.
Vấn đề đặt ra ở đây là một hành vi vi phạm nhưng cả doanh nghiệp và lái xe đều bị xử phạt có phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chínhkhông?
Trả lời câu hỏi trên, ông Hoàng Thế Tùng, Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT), cho rằng quy định như trên là hoàn toàn phù hợp. “Cũng giống như việc anh giao phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật cho người khác điều khiển tham gia giao thông. Trong trường hợp đó thì không chỉ lái xe mà cả chủ xe cũng phải bị phạt. Do đó, quy định như trên là hoàn toàn đúng luật” - ông Tùng lý giải.
Tuy nhiên, nhiều lái xe cho rằng khi điều khiển phương tiện họ chỉ biết trên xe có gắn hộp đen thông qua đèn hiển thị chớp nháy xanh đỏ. Việc gắn hộp đen kiểu, loại gì, hoạt động ra sao, với bao nhiều chức năng là của chủ xe và hợp tác xã chứ đâu phải lỗi của họ mà bị xử phạt. Về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, cho rằng khi điều khiển phương tiện, lái xe phải có trách nhiệm kiểm tra xem phương tiện có bảo đảm đủ an toàn kỹ thuật không, ví như thắng, đèn xi nhan có hoạt động không; giấy tờ đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ đã đóng chưa; hộp đen có hoạt động không…
“Nếu những thiết bị đó chưa bảo đảm an toàn hoặc chưa đầy đủ thì lái xe hoàn toàn có quyền từ chối điều khiển phương tiện. Chứ đến khi bị phạt anh mới đổ lỗi là “không biết xe hỏng, không biết thiếu hộp đen” là không đúng” - ông Thuấn nói.
THÀNH VĂN
Theo phapluattp.vn