Hướng dẫn xác định hành vi mua chuộc, hối lộ, cản trở công việc trong hoạt động kiểm toán

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
10/06/2023 12:00 PM

Xin cho tôi hỏi hành vi mua chuộc, hối lộ, cản trở công việc trong hoạt động kiểm toán được xác định như thế nào tại Quyết định 811/QĐ-KTNN? - Hoàng Ngọc (Bình Dương)

Hướng dẫn xác định hành vi mua chuộc, hối lộ, cản trở công việc trong hoạt động kiểm toán

Hướng dẫn xác định hành vi mua chuộc, hối lộ, cản trở công việc trong hoạt động kiểm toán (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Kiểm toán nhà nước ban hành Quyết định 811/QĐ-KTNN ngày 02/6/2023 ban hành Hướng dẫn về việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.

Hướng dẫn xác định hành vi mua chuộc, hối lộ, cản trở công việc trong hoạt động kiểm toán

Cụ thể tại Điều 13 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 811/QĐ-KTNN, hành vi mua chuộc, hối lộ Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán; cản trở công việc của Kiểm toán nhà nước quy định tại Điều 12 Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15 được xác định như sau:

- “Lợi ích vật chất khác” quy định tại khoản 1 Điều 12 Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15 là lợi ích vật chất không phải là tài sản quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015.

Ví dụ: Hối lộ bằng cách tài trợ kinh phí đi thăm quan, du lịch, vé tàu, vé xe...

- Hành vi “cản trở” quy định tại khoản 2 Điều 12 Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15 là một trong các hành vi sau:

+ Không thông báo hoặc thông báo chậm đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quyết định kiểm toán, có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện kiểm toán, có trách nhiệm trả lời và giải trình.

+ Dùng lời nói hoặc hành động ngăn cản, đe dọa về vật chất hoặc tinh thần để thành viên Đoàn kiểm toán nhà nước không thực hiện được hoặc không dám thực hiện nhiệm vụ.

+ Dùng lời nói hoặc hành động ngăn cản, đe dọa về vật chất hoặc tinh thần để các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không thực hiện được hoặc không dám thực hiện quyết định kiểm toán, không dám: cung cấp thông tin, tài liệu, trả lời và giải trình cho Đoàn kiểm toán.

Mức phạt hành chính của hành vi mua chuộc, hối lố, cản trở công việc trong hoạt động kiểm toán

Theo khoản 1 Điều 12 Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15 thì cá nhân hành vi mua chuộc, hối lộ tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá dưới 2.000.000 đồng cho Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Riêng tổ chức có cùng hành vi vi phạm trên thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, tức sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. (Khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15)

Trường hợp cá nhân trực tiếp đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn trong hoạt động kiểm toán (như Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán) với tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hối lộ theo Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội danh này.

Chi tiết các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiểm toán

Cá nhân, tổ chức bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây trong hoạt động kiểm toán bao gồm:

- Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử phạt vi phạm hành chính.

- Không xử phạt vi phạm hành chính, không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

- Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả không kịp thời, không nghiêm minh, không đúng thẩm quyền, thủ tục, đối tượng quy định tại Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15.

-Xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng; áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính.

- Can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý vi phạm hành chính.

- Không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả.

- Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.

- Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị xử phạt vi phạm hành chính, người bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính.

- Chống đối, trốn tránh, trì hoãn hoặc cản trở chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

(Điều 5 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 811/QĐ-KTNN)

Xem thêm tại Quyết định 811/QĐ-KTNN có hiệu lực kể từ ngày ký.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,694

Bài viết về

lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]