Vì sao phá sản Luật Phá sản?

28/06/2013 15:03 PM

Một trong những lý do khiến Luật Phá sản "lâm vào tình trạng phá sản" là có nhiều quy định trong Luật này mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác, khiến cho việc triển khai thực thi gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không thể thực hiện được.

Luật “tréo ngoe”

Cụ thể, Luật Phá sảnLuật Thi hành án dân sự năm 2008 mâu thuẫn nhau về việc thi hành quyết định của Thẩm phán. Theo Luật Phá sản, Tổ quản lý, thanh lý tài sản có nhiệm vụ tổ chức thi hành các quyết định của Thẩm phán theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự (Khoản 2 Điều 10).

Trong khi đó, Luật Thi hành án dân sự lại không cho phép Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án dân sự ra các quyết định thi hành án đối với các quyết định của Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản, kể cả quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 138). Như vậy, Chấp hành viên làm Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản đứng ở giữa không thể tổ chức thi hành quyết định của Thẩm phán trong phá sản DN.

Hay như mâu thuẫn giữa Luật Phá sản với Bộ luật Dân sự năm 2005 về giao dịch bảo đảm. Bảo vệ quyền lợi của chủ nợ có bảo đảm, Khoản 2 Điều 39 Luật Phá sản quy định: “Trường hợp người bảo lãnh lâm vào tình trạng phá sản thì người được bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản đối với người nhận bảo lãnh”.

Quy định này đã biến chủ nợ có bảo đảm thành chủ nợ không có bảo đảm và mâu thuẫn với quy định của Bộ luật Dân sự là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ nợ có bảo đảm trong mọi trường hợp (quyền đòi nợ luôn được bảo đảm bằng chính tài sản bảo đảm).

Hơn nữa, quy định tại Điều 39 cũng mâu thuẫn với chính mục tiêu bảo vệ quyền lợi của chủ nợ có bảo đảm trong Luật Phá sản. Con nợ của chủ nợ có bảo đảm lâm vào tình trạng phá sản thì chủ nợ có bảo đảm có thể tham gia vào thủ tục phá sản để thu hồi nợ và được ưu tiên thanh toán, còn khi người bảo lãnh của con nợ lâm vào tình trạng phá sản thì chủ nợ có bảo đảm lại không được tham gia vào thủ tục phá sản của người bảo lãnh để thu hồi nợ và chỉ có quyền yêu cầu con nợ - người được bảo lãnh trả nợ cho mình.

Trả DN quyền được chết

Trước thực trạng khủng hoảng kinh tế cũng như những bế tắc liên quan đến pháp luật về phá sản, các chuyên gia pháp lý đề xuất, Luật Phá sản sửa đổi cần phải rút gọn thủ tục phá sản, hay đơn giản hóa thủ tục này. Ví dụ, theo quy định tại Điều 85, Điều 86 Luật Phá sản, khi nào thu hồi hết nợ và thanh lý bán hết tài sản của DN, phương án phân chia tài sản đã thực hiện xong thì Tòa án mới ra được quyết định thanh lý tài sản và ra quyết định tuyên bố DN, hợp tác xã bị phá sản.

Nhưng trong thực tế, tài sản của DN bị tuyên bố phá sản không thể bán hết được và cũng không thể thu hồi hết nợ như nêu ở trên, nên chưa thể ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản và ra quyết định tuyên bố phá sản được.

Để khắc phục, Luật Phá sản có thể sửa theo hướng, sau khi bán hết tài sản, mặc dù còn một số tiền nợ chưa thu được của những người mắc nợ DN bị yêu cầu phá sản, Tòa án vẫn ra quyết định tuyên bố phá sản.

Trong quyết định tuyên bố phá sản, Toà án sẽ ghi rõ số nợ phải thu còn lại mà Tòa án đã ra quyết định thu hồi nợ. Cơ quan Thi hành án dân sự tiếp tục thực hiện việc thu hồi nợ theo quyết định tuyên bố phá sản và sẽ phân chia cho các chủ nợ theo tỷ lệ đã có tại quyết định phân chia tài sản ban đầu.

Theo Luật sư Trần Văn Sử - nguyên Phó Chánh án TAND TP HCM, từ thực tế năm 2011 chỉ có 11 đơn xin mở thủ tục phá sản được nộp tại TAND TP. HCM bộc lộ một bất cập là “hội nghị chủ nợ”. Đây là quy trình nằm trong thủ tục lấy ý kiến chủ nợ cho phép các chủ nợ xem xét và lựa chọn chấp thuận các giải pháp phục hồi cho DN mất khả năng thanh toán.

Đây là một trong những khâu quan trọng nhất của thủ tục phá sản nhằm giúp DN tái cấu trúc, đưa ra kế hoạch để tổ chức lại hoạt động kinh doanh, hoàn trả tất cả các khoản nợ cho các chủ nợ cũng như thoát khỏi tình trạng phá sản, nhưng cũng đang là khâu mà các chủ nợ cho là phiền phức và tính khả thi kém nhất.

Hoa Anh

Theo Pháp luật TP 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,629

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]