Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH đang có chiều hướng gia tăng nghiêm trọng trên cả nước. Chỉ tính đến hết tháng 2/2013, lũy kế nợ BHXH, bảo hiểm y tế trên cả nước đã lên tới gần 10.400 tỷ đồng. Trong đó, nợ BHXH chiếm gần 7.800 tỷ đồng, nợ bảo hiểm y tế chiếm hơn 2.600 tỷ đồng. Nếu tính đến hết tháng 5/2013, con số thực tế còn lớn hơn rất nhiều.
Tình trạng nợ bảo hiểm xã hội đang ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của hàng chục ngàn lao động
Danh sách doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH ngày càng dài thêm, không chỉ tập trung ở các trung tâm kinh tế lớn, như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương..., mà đang lan sang cả những địa phương nhỏ.
Đơn cử, tại Đồng Nai, nếu cuối năm 2012, tổng nợ BHXH chỉ bằng khoảng 2,8% trên tổng số thu (159 tỷ đồng), thì đến tháng 5/2013, con số này đã tăng hơn 2 lần, lên mức 338 tỷ đồng.
Tại Hòa Bình, số nợ BHXH cũng nhảy vọt từ 13,6 tỷ đồng năm 2010 lên tới gần 111 tỷ đồng tính đến tháng 5/2013.
Tương tự, nợ BHXH tại Quảng Bình cũng tăng thêm 20 tỷ đồng, lên mức gần 94 tỷ đồng chỉ trong 2 tháng 3 và 4/2013.
Điều nan giải hiện nay là, dù các địa phương đều áp dụng biện pháp quyết liệt là khởi kiện các doanh nghiệp có số nợ lớn ra tòa, nhưng tỷ lệ nợ vẫn tăng. Và dù đã có quyết định của tòa án, nhưng việc thu nợ cũng không đơn giản.
Ông Phạm Minh Thành, Phó giám đốc BHXH Đồng Nai cho biết, từ năm 2007 đến nay, cơ quan này đã khởi kiện hàng chục doanh nghiệp, vụ nào cũng thắng, nhưng việc thu nợ không vì thế mà dễ dàng hơn. “Năm 2012, có 28 doanh nghiệp trên địa bàn cũng bị đưa ra tòa với số nợ hơn 28 tỷ đồng, nhưng số nợ thu về cũng chỉ vẻn vẹn hơn 2,4 tỷ đồng”, ông Thành cho biết.
Tại Quảng Bình, tình hình còn bết bát hơn khi cơ quan BHXH địa phương thậm chí còn không thu được đồng nào, dù tòa án đã có phán quyết với 39 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị khởi kiện.
Theo quy định, khi cơ quan BHXH tiến hành khởi kiện doanh nghiệp, thì phải chứng minh được khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Thế nhưng, đa phần tài sản của doanh nghiệp đều đã được thế chấp để vay ngân hàng, tức là tài sản đó thuộc quyền quản lý của ngân hàng. Các doanh nghiệp cũng khôn ngoan khi không để số dư lớn trong tài khoản ngân hàng, mà dù có, việc phối hợp với ngân hàng để phong tỏa tài khoản doanh nghiệp cũng rất khó khăn, vì động chạm đến lợi ích của họ.
“Tình trạng này đang làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của hàng chục ngàn lao động. Tuy nhiên, chế tài xử phạt hiện quá nhẹ, nên nhiều doanh nghiệp đã nhờn luật, cố tình chiếm dụng BHXH và chấp nhận chịu phạt với mức phạt tối đa chỉ 30 triệu đồng; chưa có doanh nghiệp nào bị rút giấy phép do trốn, nợ BHXH”, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết.
Trước thực trạng này, bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, tại Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Bộ đang đề xuất tăng mức lãi suất trên số BHXH mà doanh nghiệp còn nợ lên gấp 3 lần mức hiện hành (0,05%). Cụ thể, theo bà Trần Thị Thúy Nga, mức lãi suất doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm phải nộp được đề xuất là gấp 3 lần lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội, hoặc 2 lần lãi suất liên ngân hàng.
(Theo Đầu tư)