Về vấn đề hợp đồng lao động, chính sách mới quy định trong trường hợp người lao động kết nhiều hợp đồng lao động với các đơn vị khác nhau mà cả người lao động và người sử dụng lao động đều thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHTN thì nơi giao kết hợp đồng đầu tiên sẽ có trách nhiệm tham gia bảo hiểm.
Đối với BHYT bắt buộc thì trách nhiệm tham gia bảo hiểm sẽ căn cứ vào hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.
Các nội dung này được hướng dẫn tại Nghị định 44/2013/NĐ-CP và có hiệu lực từ 01/07/2013.
Đối với thời gian làm việc, Nghị đinh 45/2013/NĐ-CP quy định số giờ làm thêm trong ngày sẽ không được quá 50% số giờ làm việc bình thường và không quá 12 giờ khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hàng tuần.
Thời gian nghỉ tết âm lịch được hưởng nguyên lương được tăng lên thành 5 ngày (theo quy định cũ là 4 ngày).
Ngoài ra, quy định mới cho phép một số trường hợp được tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ là các đơn vị sản xuất cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu, cấp thoát nước. Quy định này có hiệu lực từ 01/07/2013.
Về vấn đề tiền lương, Nghị định 49/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/07/2013 quy định Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ được Thủ tướng thành lập nhằm tư vấn cho Chính phủ về việc điều chỉnh và công bố mức lương tối thiểu vùng.
Hội đồng tiền lương quốc gia bao gồm 15 thành viên đến từ Bộ LĐTBXH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và thành viên của tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương.
Một số vấn đề về nguyên tắc xây dựng thang bảng lương, định mức lao động trong các đơn vị sử dụng lao động cũng được quy định tại Nghị định này.
Về việc cho thuê lại lao động, Doanh nghiệp thực hiện hoạt động này phải có vốn pháp định tối thiểu là 2 tỷ đồng, có trụ sở ổn định (nếu trụ sở thuê mướn thì phải có hợp đồng thuê phải từ 2 năm trở lên). Người đứng đầu doanh nghiệp cũng phải có kinh nghiệm 3 năm trở lên trong lĩnh vực cho thuê lại lao động.
Các công việc được thực hiện cho thuê lại lao động và thủ tục đăng ký kinh doanh hoạt động cho thuê lại lao động được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định 55/2013/NĐ-CP và có hiệu lực từ ngày 15/07/2013.
Liên quan tới một số nội dung khác, theo quy định mới tại Nghị định 41/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/06/2013 thì người lao động của các Doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực thiết yếu, đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội...sẽ không được phép đình công. Các đơn vị bị cấm đình công được quy định cụ thể tại phụ lục của Nghị định.
Từ ngày 01/07/2013, các hòa giải viên lao động ngoài việc đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định cũ bắt buộc phải có từ 3 năm làm việc trong các lĩnh vực có liên quan đến quan hệ lao động và phải do chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm. Nội dung mới này được quy định tại nghị định 46/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ Luật lao động về tranh chấp lao động.
Xuân Thỏa
Ảnh: Internet