Cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân bằng cách nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
03/05/2023 10:20 AM

Xin hỏi luật cho phép cử tri được bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân nhưng quy trình hướng dẫn chi tiết thế nào? – Minh Anh (Hà Nội)

Đề xuất trình tự cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân

Đề xuất trình tự cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân (Hình từ internet)

Cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân bằng cách nào?

Khoản 2 Điều 7 Hiến pháp 2013 quy định: "Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân".

Tại khoản 4 Điều 102 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: “4. Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo trình tự do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.”

Tuy nhiên, trên thực tế, việc cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân chưa thực hiện được do chưa có hướng dẫn.  

Vì vậy, việc ban hành quy định về trình tự cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân là cần thiết.

Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân.

Dự thảo Nghị quyết

Nguyên tắc thực hiện việc cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân

- Việc bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

- Bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành ở đơn vị bầu cử nơi đại biểu được bầu hoặc ở đơn vị bầu cử nơi đại biểu đã chuyển đến sinh hoạt.

- Tính đến ngày tổ chức bỏ phiếu bãi nhiệm, công dân Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên thì có quyền bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân tại đơn vị bầu cử nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú.

- Cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân được công nhận hợp lệ khi có quá nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri tại đơn vị bầu cử tham gia bỏ phiếu.

- Ngày bỏ phiếu phải là ngày chủ nhật và được công bố chậm nhất là 60 ngày trước ngày bỏ phiếu bãi nhiệm.

- Trong trường hợp đến ngày bỏ phiếu mà dịch bệnh bùng phát phải cách ly xã hội, thiên tai, bão lũ dẫn đến địa hình bị chia cắt thì các tổ chức phụ trách bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định việc đưa ra để cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định phương án tổ chức bỏ phiếu tại các khu vực này.

Nguyên tắc bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân

- Mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu. Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân.

- Cử tri phải tự mình đi bỏ phiếu bãi nhiệm, không được nhờ người khác bỏ phiếu thay, trừ trường hợp không thể tự viết hoặc ốm đau theo hướng dẫn dưới đây; khi bỏ phiếu bãi nhiệm phải xuất trình thẻ cử tri.

- Cử tri không thể tự viết được phiếu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bãi nhiệm của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

- Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật hoặc phải cách ly do yêu cầu công tác phòng chống dịch, bệnh mà không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ công tác bãi nhiệm mang hòm phiếu phụ và phiếu bãi nhiệm đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu và thực hiện việc bỏ phiếu bãi nhiệm.

Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ công tác bãi nhiệm mang hòm phiếu phụ và phiếu bãi nhiệm đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu và thực hiện việc bãi nhiệm.

- Khi cử tri viết phiếu bãi nhiệm, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ công tác bãi nhiệm. Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bãi nhiệm khác.

- Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ công tác bãi nhiệm có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri.

Dự thảo Nghị quyết cũng nêu rõ: Cuộc bỏ phiếu hợp lệ khi có quá nửa tổng số cử tri tham gia bỏ phiếu.

Còn về kết quả bỏ phiếu, Bộ Nội vụ đưa ra 2 phương án mà đại biểu HĐND bị bãi nhiệm:

Phương án 1: Khi có ít nhất 2/3 tổng số phiếu hợp lệ đồng ý bãi nhiệm.

Phương án 2: Khi có quá nửa tổng số phiếu hợp lệ đồng ý bãi nhiệm.

Như vậy, sắp tới đây sẽ có quy trình hướng dẫn chi tiết việc cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND.

Xem thêm tại dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân.

Dự thảo Nghị quyết

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,326

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn