Đây là tháng CPI đảo chiều giảm trở lại tương tự tháng 3 (giảm 0,19%) sau khi CPI tăng nhẹ 0,02% trong tháng 4.
Có 4/11 nhóm hàng giảm giá, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số CPI là nhóm ăn và dịch vụ ăn uống có mức giảm 0,35%.
Trong đó, lương thực giảm 0,69%, thực phẩm giảm mạnh 1,24% trong khi ăn uống ngoài gia đình tăng 0,45%. Nhóm hàng nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,53%, giao thông giảm 0,57%, bưu chính viễn thông giảm 0,07%.
Trong các hàng hóa tăng giá, nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng mạnh nhất ở với 1,58%, riêng dịch vụ y tế tăng 1,92% (Vĩnh Phúc và Long An tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh theo lộ trình tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh).
Nhóm đồ uống thuốc lá tăng 0,41%, nhóm may mắc mũ nón giầy dép là 0,36%, nhóm văn hóa giải trí và du lịch chỉ tăng 0,23% (dù là tháng có kỳ nghỉ lễ dài). Tuy nhiên điều này cũng không khiến chỉ số CPI tháng 5 tăng.
Giá vàng và giá USD lại diễn biến trái chiều khi lần lượt ghi nhận các mức giảm 4,62% và tăng 0,21% so với tháng trước.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhu cầu tiêu dùng giảm là một trong những nguyên nhân khiến giá cả hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu có quyền số lớn như: lương thực, thực phẩm, đồ uống và thuốc lá giảm hoặc tăng nhẹ.
Dù giá giảm nhưng đại bộ phận người dân cũng vẫn giảm chi tiêu nhằm giữ cân đối ngân sách gia đình. Việc giá xăng dầu giảm 3 lần trong tháng 4 cũng đã tác động khiến CPI giảm.
Xét trong tổng thể nền kinh tế hiện nay, lạm phát thấp là cơ hội tốt để tạo dư địa cho các chính sách kinh tế được thực hiện đồng bộ, đúng lộ trình, khắc phục những khiếm khuyết hiện tại.
Huy Thắng