Cần sửa đổi, bổ sung tối thiểu 178 văn bản quy phạm pháp luật

23/05/2013 08:45 AM

Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) chiều qua cho ý kiến về Dự thảo Đề án tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020.

Các thành viên Hội đồng tư vấn đều tán thành sự cần thiết xây dựng đề án nhưng cũng bày tỏ một số băn khoăn xung quanh những trường thông tin cơ bản của công dân, tác động của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Ảnh minh họa

Sẽ thay đổi TTHC đang áp dụng ra sao?

Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp) Ngô Hải Phan cho biết, việc triển khai đề án này sẽ phát huy hiệu quả từ thời điểm ngày 1/1/2016 và dự kiến đến hết năm 2020 đạt được nhiều kết quả, như đơn giản hóa tối thiểu 1.300 TTHC có yêu cầu khai thông tin công dân hoặc xuất trình/nộp bản sao/nộp bản sao có chứng thực giấy tờ công dân.

Ngoài ra, khi vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp tiết kiệm cho công dân trên 1.600 tỷ đồng/năm từ việc không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản của mình, không phải thực hiện việc sao, chụp hoặc thực hiện TTHC chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ công dân, tạo thuận lợi cho gần 90 triệu dân khi thực hiện TTHC tại các cấp chính quyền…

Nhưng cũng theo đánh giá sơ bộ của Bộ Tư pháp, để thực hiện đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư cần sửa đổi, bổ sung tối thiểu 178 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 7 Luật, 35 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 119 Thông tư, Thông tư liên tịch và 16 Quyết định của Bộ trưởng.

Do quy mô và phạm vi trải rộng trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, các thành viên Hội đồng rất chia sẻ với quan điểm của Bộ Tư pháp về việc triển khai thực hiện Đề án sẽ không tránh khỏi những khó khăn, thách thức. Một trong những thách thức đó là liên quan đến hoàn thiện thể chế đã được chứng minh qua thực tiễn thực thi các Nghị quyết đơn giản hóa TTHC của Chính phủ (theo Đề án 30) khi mà các Bộ, ngành còn chưa chủ động khiến cho việc triển khai đơn giản hóa TTHC chậm so với yêu cầu của Chính phủ.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đặt ra một số vấn đề: “Làm sao cập nhật dữ liệu thông tin công dân cho 90 triệu người trong bối cảnh hệ thống dữ liệu về dân cư của chúng ta rất hạn chế? Không những thế, trong quá trình cập nhật dữ liệu thông tin  vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư liệu có làm thay đổi TTHC hiện hành, như giấy chứng nhận kết hôn, giấy khai sinh có còn nữa không?...”.

Lý giải về nội dung này, theo ông Phan, việc triển khai đề án sẽ giúp giảm tối thiểu một số loại giấy tờ, gồm giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng tử. Nếu các ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp tiếp tục giảm các giấy tờ khác như thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe…

Nên lấy ý kiến về 20 trường thông tin cơ bản

Cũng theo Dự thảo Đề án, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ tập trung thông tin cơ bản về công dân để phân biệt công dân này với công dân khác, được sử dụng chung cho các bộ, ngành, địa phương để tra cứu thông tin về công dân khi giải quyết TTHC, thay thế cho việc xuất trình, nộp bản sao/bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện TTHC có thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể,  giai đoạn trước mắt dự kiến sẽ cập nhật 20 trường thông tin cơ bản và đặt ra yêu cầu về khả năng mở rộng thông tin công dân. Việc mở rộng các thông tin tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được tiến hành từng bước trên cơ sở bảo đảm khả năng cung ứng, cập nhật thông tin của các ngành cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Có thành viên Hội đồng tư vấn nêu ý kiến là “chưa hình dung được 20 trường thông tin cơ bản song các trường thông tin này phải phản ánh được vị thế của công dân trong các quan hệ dân sinh, trong đó có quan hệ nghề nghiệp, quan hệ xã hội”… Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.Hà Nội Phạm Xuân Phương cho rằng, nếu giai đoạn 2013-2020 mới tập trung vào thông tin cơ bản phân biệt các công dân với nhau, thì khi tích hợp rồi các giấy tờ khác đã cấp có giá trị như thế nào?

Đối với 20 trường thông tin, ông Phương đề nghị, cùng với sự phối hợp giữa 2 ngành Tư pháp - Công an, cũng cần phải lấy ý kiến rộng rãi để “chắt lọc” những thông tin phục vụ những cái chung nhất. “Các thông tin này có thông tin tĩnh, thông tin tương đối tĩnh, thông tin động. Thông tin tĩnh là ngày tháng năm sinh, quốc tịch, còn các thông tin khác, kể cả nhân thân, cũng tương đối thôi như thông tin về họ tên vẫn có thể thay đổi” – ông Phương dẫn chứng.

Hoàng Thư

 

Theo Phapluatvn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,522

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn