Từ ngày 01/3/2023, tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật cho NLĐ

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Như Mai
24/02/2023 18:28 PM

Theo quy định mới, mức bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại được điều chỉnh thế nào? - Mỹ Linh (Bắc Ninh)

Từ ngày 01/3/2023, tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật cho NLĐ

Từ ngày 01/3/2023, tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật cho NLĐ (Hình từ Internet)

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/11/2022 quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại. Theo đó:

1. Tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật cho NLĐ làm việc trong điều kiện nguy hiểm, độc hại

Điều 4 Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH, bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền theo các mức bồi dưỡng sau:

- Mức 1: 13.000 đồng (tăng 3.000 đồng so với hiện hành);

- Mức 2: 20.000 đồng (tăng 5.000 đồng so với hiện hành);

- Mức 3: 26.000 đồng (tăng 6.000 đồng so với hiện hành);

- Mức 4: 32.000 đồng (tăng 7.000 đồng so với hiện hành).

Lưu ý:

Đối với người lao động đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH, mức bồi dưỡng cụ thể theo từng nghề, công việc được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH và được áp dụng theo thời gian làm việc tương ứng như sau:

- Nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng;

- Nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng;

- Trong trường hợp người lao động làm thêm giờ, định suất bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên.

 

2. Điều kiện được hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật

Căn cứ Điều 3 Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH quy định người lao động được hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật khi có đủ hai điều kiện sau:

- Làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

- Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất 01 trong 02 yếu tố sau đây:

+ Có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế.

+ Tiếp xúc với ít nhất 01 yếu tố được xếp từ 4 điểm trở lên thuộc nhóm chỉ tiêu “Tiếp xúc các nguồn gây bệnh truyền nhiễm theo Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm” (số thứ tự 10.1 Mục A, Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 29/2021/TT-BLĐTBXH).

Việc xác định các yếu tố quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH phải được thực hiện bởi tổ chức đủ điều kiện hoạt động quan trắc môi trường lao động theo quy định của pháp luật.

3. Đối tượng người lao động áp dụng mức bồi dưỡng bằng hiện vật

Đối tượng người lao động áp dụng mức bồi dưỡng bằng hiện vật bao gồm người lao động theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 2 Luật An toàn, vệ sinh lao động, cụ thể:

- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; người thử việc; người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động.

- Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

- Người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng; người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

4. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với việc bồi dưỡng bằng hiện vật cho NLĐ

Căn cứ Điều 6 Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH, trách nhiệm của người sử dụng lao động được quy định như sau:

- Phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tăng cường các thiết bị an toàn và vệ sinh lao động để cải thiện điều kiện lao động; khi chưa thể khắc phục được hết các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại thì phải tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động để ngăn ngừa bệnh tật và bảo đảm sức khỏe cho người lao động.

- Căn cứ vào kết quả đánh giá các điều kiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH để xác định mức bồi dưỡng bằng hiện vật tương ứng cho từng nghề, công việc cụ thể theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH.

Đối với các nghề, công việc có điều kiện lao động phức tạp mà chưa thể xác định ngay mức bồi dưỡng bằng hiện vật theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH, người sử dụng lao động phải tổng hợp các chức danh nghề, công việc đề nghị bồi dưỡng bằng hiện vật gửi bộ, ngành hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp và có ý kiến gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định mức bồi dưỡng.

- Khi áp dụng các biện pháp để cải thiện điều kiện lao động hoặc khi điều kiện lao động thay đổi thì phải căn cứ vào kết quả mới về điều kiện lao động để điều chỉnh các mức bồi dưỡng đúng theo quy định tại Điều 3 và Điều 4 Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH. Thường xuyên tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật, phổ biến nội dung Thông tư này đến người lao động.

- Chỉ đạo bộ phận y tế cơ sở hoặc tham vấn ý kiến của chuyên gia về dinh dưỡng để xây dựng cơ cấu hiện vật dùng để bồi dưỡng phù hợp với việc thải độc, tăng cường sức đề kháng của cơ thể tương ứng với các mức bồi dưỡng, đồng thời phù hợp với từng vị trí việc làm, từng công việc cụ thể và sức khỏe của người lao động.

- Nghiêm túc tổ chức việc bồi dưỡng bằng hiện vật, bảo đảm cho người lao động được hưởng đầy đủ, đúng chế độ theo quy định tại Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH.

Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/3/2023 và thay thế Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 42,540

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn