Tiền lương thử việc tối thiểu bằng 85% mức lương của công việc chính thức.
Điều 28 BLLĐ 2012 quy định:“Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.” Theo quy định cũ, mức lương thử việc tối thiểu là 70%.
Liên quan đến quy định tiền lương, chính phủ có thẩm quyền công bố mức lương tối thiểu vùng theo khoản 2 điều 91 BLLĐ 2012 và quy định các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động theo khoản 1 điều 93. Người sử dụng lao động xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động theo những nguyên tắc chính phủ đưa ra.
Cấm giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của NLĐ.
Theo quy định tại khoản 1 điều 20 BLLĐ 2012, người sử dụng không được “Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động” khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động .
Ngoài ra, với lao động là người giúp việc gia đình, khoản 3 điều 183 BLLĐ 2012 nghiêm cấm người sử dụng lao động giữ giấy tờ của người lao động.
Một số điểm mới trong giao kết hợp đồng lao động
Người lao động và người sử dụng lao động phải “trực tiếp giao kết hợp đồng lao động” theo quy định tại khoản 1 điều 18 BLLĐ 2012. Trừ 2 trường hợp ngoại lệ với người lao động có độ tuổi từ đủ 15 đến 18;và người lao động làm công việc theo mùa vụ, hoặc công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng được quy định tại khoản 2 và 3 điều này.
BLLĐ 2012 đưa ra một nội dung mới về nguyên tắc giao kết hợp đồng tại điều 17. Hợp đồng được giao kết trên các nguyên tắc:tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực.Các bên được tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.
Về loại hợp đồng lao động, điều 22 BLLĐ 2012 có một điểm mới. Hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng sẽ trở thành hợp đồng có thời hạn 24 tháng, nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc mà 2 bên không ký kết hợp đồng mới trong thời hạn 30 ngày từ ngày hợp đồng cũ hết thời hạn.
Người sử dụng lao động được quyền cho thuê lại lao động
BLLĐ 2012 dành 6 điều khoản từ điều 53 đến 58 thuộc mục 5 quy định về cho thuê lại lao động.Người lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động khác, chịu sự điều hành của người sử dụng lao động sau và vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động.
Người sử dụng lao động có quyền “thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật”.
Đây là một quy định mới tại điểm b khoản 1 điều 6 BLLĐ 2012. Trên thực tế, các tổ chức nghề nghiệp có ảnh hưởng rất lớn đến việc nâng cao chuyên môn và tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp. Do vậy, quy định trên đã thể hiện quyền lợi chính đáng và tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng lao động.
Linh Nguyên