Các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình theo Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
19/12/2022 09:45 AM

Tôi muốn biết có những biện pháp nào nhằm ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình theoLuật Phòng chống bạo lực gia đình 2022? - Anh Vũ (Bình Dương)

Các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình

Các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình theo Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 ngày 14/11/2022 có hiệu lực từ ngày 01/7/2023.

Theo đó, các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình được quy định như sau:

1. Bạo lực gia đình là gì?

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022, bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

Như vậy Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022 đã thêm việc gây tổn hại về tình dục là hành vi bạo lực gia đình trong khái niệm so với hiện hành.

2. Các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình

Cụ thể tại khoản 1 Điều 22 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022, các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình bao gồm:

(1) Buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình;

(2) Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;

(3) Cấm tiếp xúc;

(4) Bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ nhu cầu thiết yếu;

(5) Chăm sóc, điều trị người bị bạo lực gia đình;

(6) Trợ giúp pháp lý và tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với hành vi bạo lực gia đình;

(7) Giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình;

(8) Góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư;

(9) Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng;

(10) Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

(11) Các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ người bị hại theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đối với người có hành vi bạo lực gia đình.

Như vậy, so với Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007, quy định mới đã bổ sung các biện pháp (2), (4), (5), (6), (7), (8), (9).

3. Nguyên tắc phòng chống bạo lực gia đình

Việc phòng chống bạo lực gia định phải thực hiện theo các nguyên tắc được quy định tại Điều 4 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022, cụ thể như sau:

- Phòng ngừa là chính, lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm.

- Tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có liên quan; bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em; ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình là phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; thực hiện bình đẳng giới.

- Chú trọng hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình.

- Hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình phải được kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ em thì trong quá trình xử lý phải có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em hoặc người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em.

- Nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và người đứng đầu; chú trọng phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình.

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng.

- Thực hiện trách nhiệm nêu gương trong phòng chống bạo lực gia đình đối với cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

4. Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng chống bạo lực gia đình

Theo Điều 5 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022, Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như sau:

- Hành vi bạo lực gia đình quy định tại Điều 3 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022.

- Kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng ép người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình.

- Sử dụng, truyền bá thông tin, tài liệu, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động bạo lực gia đình.

- Trả thù, đe dọa trả thù người giúp đỡ người bị bạo lực gia đình, người phát hiện, báo tin, tố giác, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.

- Cản trở việc phát hiện, báo tin, tố giác, ngăn chặn và xử lý hành vi bạo lực gia đình.

- Lợi dụng hoạt động phòng chống bạo lực gia đình để thực hiện hành vi trái pháp luật.

- Dung túng, bao che, không xử lý, xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi bạo lực gia đình.

Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022 có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 thay thế thay thế Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007.

Xem thêm: 16 hành vi bị xem là bạo lực gia đình theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 43,700

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn