Các phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Châu Văn Trọng
17/12/2022 14:15 PM

Luật sửa đổi Luật Tần số vô tuyến điện 2022 đã được thông qua. Vậy sắp tới, các phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện được quy định thế nào? - Kiều Oanh (Bình Dương)

Các phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện

Các phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau: 

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi Luật Tần số vô tuyến điện 2022 ngày 09/11/2022.

1. Các phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện

Các phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Tần số vô tuyến điện 2009 (sửa đổi 2022), bao gồm:

- Cấp giấy phép thông qua đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được thực hiện trên cơ sở đánh giá hồ sơ đấu giá theo các tiêu chí về năng lực đầu tư, kỹ thuật nghiệp vụ, kinh doanh bảo đảm thực hiện cam kết triển khai mạng viễn thông và mức tiền trả giá khi tham gia đấu giá của tổ chức;

- Cấp giấy phép thông qua thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được thực hiện trên cơ sở đánh giá hồ sơ thi tuyển theo các tiêu chí về năng lực đầu tư, kỹ thuật nghiệp vụ, kinh doanh bảo đảm thực hiện cam kết triển khai mạng viễn thông của tổ chức;

- Cấp giấy phép trực tiếp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được thực hiện trên cơ sở xem xét hồ sơ đề nghị cấp giấy phép theo nguyên tắc tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đầy đủ, đúng quy định trước được xét cấp trước.

2. Phương thức cấp giấy phép thông qua đấu giá

Theo khoản 2 Điều 18 Luật Tần số vô tuyến điện 2009 (sửa đổi 2022), phương thức cấp giấy phép thông qua đấu giá áp dụng đối với băng tần, kênh tần số sau:

- Băng tần để thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất;

- Băng tần, kênh tần số để thiết lập mạng viễn thông công cộng mặt đất khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông căn cứ vào tình hình phát triển của thị trường viễn thông trong nước và thông lệ quốc tế về cấp phép loại băng tần, kênh tần số này.

3. Phương thức cấp giấy phép thông qua thi tuyển

Phương thức cấp giấy phép thông qua thi tuyển áp dụng đối với băng tần, kênh tần số quy định tại mục 2 nêu trên khi cần phủ sóng công nghệ mới trên diện rộng trong một khoảng thời gian nhất định hoặc khi cần có tổ chức mới tham gia thị trường để thúc đẩy cạnh tranh cho hoạt động viễn thông.

Thủ tướng Chính phủ quyết định băng tần, kênh tần số được cấp phép thông qua thi tuyển theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

(Khoản 3 Điều 18 Luật Tần số vô tuyến điện 2009 (sửa đổi 2022)

4. Phương thức cấp giấy phép trực tiếp

Phương thức cấp giấy phép trực tiếp áp dụng đối với băng tần, kênh tần số quy định tại khoản 4 Điều 18 Luật Tần số vô tuyến điện 2009 (sửa đổi 2022) như sau:

- Băng tần, kênh tần số không thuộc băng tần, kênh tần số quy định tại mục 2 nêu trên;

- Băng tần, kênh tần số quy định tại mục 2 nêu trên khi sử dụng cho mục đích thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông, các trường hợp đặc biệt quy định tại khoản 1 Điều 11a Luật Tần số vô tuyến điện 2009 (sửa đổi 2022);

- Băng tần, kênh tần số quy định tại mục 2 nêu trên khi cấp trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật với thời hạn giấy phép không quá 03 năm hoặc khi cấp lại theo quy định tại Điều 20a Luật Tần số vô tuyến điện 2009 (sửa đổi 2022);

- Trường hợp đặc biệt, băng tần quy định tại mục 2 nêu trên được cấp cho doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh với thời hạn không quá 03 năm để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chịu trách nhiệm lập đề án sử dụng băng tần để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh lấy ý kiến Bộ Thông tin và Truyền thông, ý kiến Bộ Công an đối với đề án do Bộ Quốc phòng lập, ý kiến Bộ Quốc phòng đối với đề án do Bộ Công an lập để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án trước khi Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép.

Đề án phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; an toàn, bảo vệ bí mật nhà nước; sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông; xác định cụ thể nhiệm vụ quốc phòng, an ninh giao cho doanh nghiệp; xác định lượng tần số phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh chiếm tỷ lệ cơ bản trên tổng lượng tần số đề nghị cấp phép.

Trước khi giấy phép hết thời hạn 03 tháng, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức đánh giá hiệu quả việc sử dụng băng tần đã cấp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định dừng hoặc tiếp tục thực hiện đề án không quá 12 năm làm cơ sở để Bộ Thông tin và Truyền thông gia hạn giấy phép.

5. Điều kiện tham gia đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện

Điều 18a Luật Tần số vô tuyến điện 2009 (sửa đổi 2022) quy định về các điều kiện tham gia đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện bao gồm:

- Có đủ điều kiện quy định tại các điểm a, d, đ, e khoản 2 Điều 19 Luật Tần số vô tuyến điện 2009 (sửa đổi 2022);

- Có đủ điều kiện được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông sử dụng băng tần, kênh tần số tương ứng với băng tần, kênh tần số được đấu giá, thi tuyển theo quy định của pháp luật về viễn thông;

- Đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính về viễn thông, tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật;

- Có cam kết triển khai mạng viễn thông theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 18a Luật Tần số vô tuyến điện 2009 (sửa đổi 2022).

Luật sửa đổi Luật Tần số vô tuyến điện 2022 có hiệu lực từ ngày 01/7/2023. Riêng quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,246

Bài viết về

lĩnh vực Công nghệ thông tin

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn