14 nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
17/12/2022 09:02 AM

Tôi muốn biết các nội dung nào chính quyền địa phương cấp xã phải công khai cho người dân biết tại Luật Thực hiện dân chủ cơ sở 2022? - Hoài Thu (TP.HCM)

14 nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai

14 nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai

Quốc hội đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 có hiệu lực từ ngày 01/7/2023.

1. Các hình thức công khai thông tin của chính quyền địa phương cấp xã

Theo khoản 1 Điều 12 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022, chính quyền địa phương cấp xã phải công khai thông tin qua các hình thức sau đây:

(i) Niêm yết thông tin;

(ii) Đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của chính quyền địa phương cấp xã; 

(iii) Phát tin trên hệ thống truyền thanh của cấp xã (nếu có);

(iv) Thông qua Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố để thông báo đến công dân;

(v) Gửi văn bản đến công dân;

(vi) Thông qua hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với Nhân dân;

(vii) Thông qua việc tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật;

(viii) Thông báo đến tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức, đoàn thể cùng cấp khác để tổ chức phổ biến, tuyên truyền đến hội viên, đoàn viên ở cơ sở;

(ix) Thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp xã, tại thôn, tổ dân phố;

(x) Các hình thức khác theo quy định của pháp luật và quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

(Ngoài các hình thức (i), (iii) và (iv) được luật hóa dựa trên cơ sở của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn 2007 thì các hình thức còn lại được quy định mới tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022)

Đối với việc công khai thông tin của chính quyền địa phương cấp xã tại khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện theo quy định của Chính phủ.  

2. 14 nội dung chính quyền định phương cấp xã phải công khai

Cụ thể tại Điều 11 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước hoặc thông tin chưa được công khai theo quy định của pháp luật, chính quyền địa phương cấp xã phải công khai các nội dung sau đây:

(1) Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế hằng năm của cấp xã và kết quả thực hiện; 

(Luật hóa dựa trên cơ sở của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn 2007)

(2) Số liệu, báo cáo thuyết minh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch hoạt động tài chính của cấp xã trình Hội đồng nhân dân cấp xã; dự toán ngân sách, kế hoạch hoạt động tài chính đã được Hội đồng nhân dân cấp xã quyết định; (Điểm mới)

Số liệu và thuyết minh tình hình thực hiện dự toán ngân sách cấp xã định kỳ theo quý, 06 tháng, hằng năm; quyết toán ngân sách nhà nước và kết quả thực hiện các hoạt động tài chính khác đã được Hội đồng nhân dân cấp xã phê chuẩn; kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước (nếu có);

(Điểm mới so với Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn 2007)

(3) Dự án, công trình đầu tư trên địa bàn cấp xã và tiến độ thực hiện; kế hoạch thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất để thực hiện dự án, công trình đầu tư trên địa bàn cấp xã; kế hoạch quản lý, sử dụng quỹ đất do cấp xã quản lý; kế hoạch cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của cấp xã; quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng xã và điểm dân cư nông thôn; quy hoạch chung được lập cho thị trấn, đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được lập cho các khu vực thuộc phạm vi thị trấn;

(Mở rộng nội dung công khai về các kế hoạch, quy hoạch tại địa phương cho nhân dân so với Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn 2007)

(4) Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã;

(Phát triển quy định dựa trên cơ sở Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn 2007)

(5) Việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án đối với địa bàn cấp xã; các khoản huy động Nhân dân đóng góp;

(Luật hóa dựa trên cơ sở của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn 2007)

(6) Tình hình đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng, thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi công năng, bán, thanh lý, tiêu hủy và hình thức xử lý khác đối với tài sản công do cấp xã quản lý; tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công của chính quyền địa phương cấp xã; (Điểm mới)

(7) Chủ trương, chính sách, kế hoạch, tiêu chí, đối tượng, quy trình bình xét và kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ, trợ cấp, tín dụng để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển sản xuất, hỗ trợ xây dựng nhà ở, cấp thẻ bảo hiểm y tế và các chính sách an sinh xã hội khác được tổ chức triển khai trên địa bàn cấp xã;

(Phát triển và luật hóa nội dung quy định dựa trên cơ sở Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn 2007)

(8) Thông tin về phạm vi, đối tượng, cách thức bình xét, xác định đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian, thủ tục thực hiện phân phối các khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, thảm họa hoặc để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo trên địa bàn cấp xã; việc quản lý, sử dụng các nguồn đóng góp, quyên góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài dành cho các đối tượng trên địa bàn cấp xã; (Điểm mới)

(9) Số lượng, đối tượng, tiêu chuẩn gọi nhập ngũ; danh sách công dân đủ điều kiện nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; danh sách công dân được gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; danh sách tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ trên địa bàn cấp xã; (Điểm mới)

(10) Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp xã, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp xã;

(Thêm các chức danh Trưởng ban của HĐND cấp xã, các Ủy viên UBND cấp xã là đối tượng công khai trong kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm so với Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn 2007)

(11) Kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân, nội dung lấy ý kiến, kết quả tổng hợp ý kiến và giải trình, tiếp thu ý kiến của Nhân dân đối với những nội dung chính quyền địa phương cấp xã đưa ra lấy ý kiến Nhân dân quy định tại Điều 25 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022; (Điểm mới)

(12) Đối tượng, mức thu các loại phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính khác do chính quyền địa phương cấp xã trực tiếp thu;

(Luật hóa dựa trên cơ sở của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn 2007)

(13) Các thủ tục hành chính, thủ tục giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, cá nhân do chính quyền địa phương cấp xã trực tiếp thực hiện;

(Luật hóa dựa trên cơ sở của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn 2007)

(14) Nội dung khác theo quy định của pháp luật và quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 có hiệu lực từ ngày 01/7/2023.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,198

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn