Đề xuất hoàn thiện biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên
Dự thảo |
Tòa án nhân dân tối cao đang dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Theo đó, ban hành giải pháp mở rộng và hoàn thiện việc áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng như sau:
Tại Mục 2.5.3 Chính sách 4 Dự thảo đề xuất phương án nghiên cứu, hoàn thiện và mở rộng việc áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên theo hướng như sau:
(1) Người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng;
(2) Người chưa thành niên tự nguyện nhận trách nhiệm về hành vi vi phạm;
(3) Người chưa thành niên và cha mẹ của người chưa thành niên đồng ý với xử lý chuyển hướng;
(4) Hậu quả hành vi vi phạm mà người chưa thành niên gây ra không lớn;
(5) Sau khi cân nhắc hoàn cảnh cụ thể của người chưa thành niên và hành vi vi phạm, việc xử lý chuyển hướng là thích hợp và vì lợi ích của nạn nhân, người vi phạm và cộng đồng; (6) Việc xử lý chuyển hướng sẽ không đặt người chưa thành niên, nạn nhân hay cộng đồng vào hoàn cảnh nguy hiểm.
- Bổ sung thêm các biện pháp xử lý chuyển hướng khác.
Ví dụ như: bắt buộc đi học; đặt dưới sự giám sát và có hướng dẫn; Cấm đến hoặc xuất hiện thường xuyên tại một địa điểm; lao động công ích…
- Thay đổi về trình tự áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng theo hướng việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng được thực hiện trước và là điều kiện để miễn trách nhiệm hình sự;
Theo đó quy định hậu quả pháp lý của việc không tuân thủ, tuân thủ áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.
+ Trường hợp tuân thủ việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thì người chưa thành niên được xem xét miễn trách nhiệm hình sự;
+ Trường hợp không tuân thủ các biện pháp xử lý chuyển hướng thì xem xét, quyết định việc xử lý theo thủ tục tố tụng thông thường.
Tại Mục 2.5.4 Chính sách 4 Dự thảo đề cập đánh giá tác động của các giải pháp đối với phương án như sau:
- Tác động tích cực:
+ Giảm tải được công sức và chi phí khi không phải tiếp tục đưa người chưa thành niên ra xét xử bởi Tòa án, chi phí tổ chức thi hành án khi người chưa thành niên hoàn thành chương trình xử lý chuyển hướng và được miễn trách nhiệm hình sự.
+ Việc người chưa thành niên được xử lý chuyển hướng sớm sẽ hạn chế tác động tiêu cực đến tâm lý của người chưa thành niên;
Giúp giảm tình trạng người chưa thành niên tái vi phạm pháp luật; từ đó tiết kiệm chi phí cho việc xử lý, khắc phục hậu quả đối với vi phạm pháp luật của người chưa thành niên.
- Tác động tiêu cực:
Có thể phát sinh chi phí ban đầu cho việc xây dựng và triển khai các chương trình xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên.
- Tác động tích cực:
+ Tạo động lực và các điều kiện tối ưu cho người chưa thành niên nhận ra sai lầm và sửa chữa sai lầm của mình để trở thành công dân có ích cho xã hội.
+ Hạn chế được các tác động tiêu cực đến tâm lý của người chưa thành niên trong quá trình xử lý vi phạm;
Bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên.
+ Giảm tình trạng người chưa thành niên tái vi phạm pháp luật trong tương lai.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc điều tra và xét xử người chưa thành niên có thể thậm chí làm tăng xác suất tái phạm bởi quá trình tham gia tố tụng tư pháp các em bị “gắn mác” và kỳ thị.
Càng tiến sâu vào quá trình tố tụng hình sự thì người chưa thành niên càng tự coi bản thân là tội phạm, bởi vậy, càng tái phạm.
+ Nâng cao hiệu quả công tác giải quyết và xử lý vi phạm đối với người chưa thành niên; bảo đảm việc giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời; chấm dứt sớm quá trình tố tụng; giảm tải áp lực công tác cho các cơ quan tiến hành tố tụng.
- Tác động tiêu cực:
Có thể cần phải huy động nhiều nguồn lực từ phía cộng đồng, xã hội.
- Tác động tích cực:
+ Phù hợp với khuyến nghị quốc tế và xu thế chung của các quốc gia trên thế giới về xử lý vi phạm đối với người chưa thành niên.
+ Góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật đối với người chưa thành niên phạm tội theo hướng thân thiện, hiệu quả.
- Tác động tiêu cực: Thực hiện theo giải pháp này có tác động đến Chương XII, Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật Hình sự, Chương XXVIII, Phần thứ bảy “Thủ tục đặc biệt” của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Tuy nhiên, tác động này không phá vỡ kết cấu, nội dung cũng như hiệu lực của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự.
Luật Tư pháp người chưa thành niên chỉ quy định những nội dung có tính nguyên tắc, tính đặc thù dành riêng cho người chưa thành niên và quy định về việc bãi bỏ Chương XII của Bộ luật Hình sự, Chương XXVIII, Phần thứ bảy “Thủ tục đặc biệt” của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Giải pháp này làm phát sinh thủ tục hành chính liên quan đến thi hành một số biện pháp xử lý chuyển hướng mới.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho người chưa thành niên nhận ra lỗi lầm, cải thiện hành vi, lối sống của mình để trở thành người có ích cho xã hội;
Tích cực huy động sự tham gia của cha mẹ và cộng đồng vào công tác phục hồi cho
người chưa thành niên.
- Giảm tỷ lệ tái phạm của người chưa thành niên sau khi thi hành xong bản án, quyết định của Tòa án. Cho phép tập trung nguồn lực của các cơ quan điều tra, công tố và tòa án cũng như các chương trình giáo dục chuyên sâu hơn để can thiệp cho người chưa thành niên có nguy cơ tái phạm cao.
- Bảo đảm nguyên tắc đưa người chưa thành niên phạm tội vào các cơ sở giam giữ phải là biện pháp cuối cùng.
Can thiệp ngay lập tức ở mức độ phù hợp trước hành vi của người chưa thành niên.
- Bảo đảm việc giải quyết vụ án liên quan đến người chưa thành niên nhanh chóng, hiệu quả.
Cho phép áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trong một thời hạn nhất định, chấp hành tốt thì mới được miễn trách nhiệm hình sự, không chấp hành tốt thì bị đưa ra Tòa án để xét xử, định tội.
Ngọc Nhi