11 lĩnh vực ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin mạng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Như Mai
14/10/2022 16:48 PM

Tôi nghe nói Thủ tướng yêu cầu phải đẩy mạnh triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng. Cụ thể là trong những lĩnh vực nào? - Ngọc Liên (Bắc Kạn)

11 lĩnh vực ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin mạng

11 lĩnh vực ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin mạng (Hình từ Internet)

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 13/10/2022 về đẩy mạnh triển khai các hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng Việt Nam. Trong đó, yêu cầu đẩy mạnh đảm bảo an toàn thông tin mạng trong 11 lĩnh vực. Cụ thể:

Ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng phải chuyển từ bị động sang chủ động

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp là thành viên (hoặc có đơn vị trực thuộc là thành viên) của Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia khẩn trương triển khai một số nội dung sau:

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch, Tổng giám đốc tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp là thành viên (hoặc có đơn vị trực thuộc là thành viên) của Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia quán triệt tới tất cả các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nguyên tắc “Ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng là hoạt động quan trọng nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý và khắc phục kịp thời sự cố an toàn thông tin mạng”; 

Chỉ đạo triển khai nghiêm túc các nội dung của Chỉ thị này và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu lơ là trong công tác ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng, để xảy ra hậu quả, thiệt hại nghiêm trọng tại cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

- Hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng phải chuyển từ bị động sang chủ động, bao gồm: 

+ Chủ động thực hiện săn lùng mối nguy hại và rà quét lỗ hổng trên các hệ thống thông tin trong phạm vi quản lý tối thiểu 01 lần/6 tháng; 

+ Ban hành phương án, kịch bản ứng cứu sự cố cho hệ thống thông tin trước ngày 31/12/2022 và cập nhật kịp thời khi có thay đổi; 

+ Tổ chức diễn tập thực chiến tối thiểu 01 lần/năm đối với hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên nhằm đánh giá khả năng phòng ngừa xâm nhập và khả năng phát hiện kịp thời các điểm yếu về quy trình, công nghệ, con người. 

Trường hợp phát hiện điểm yếu, lỗ hổng bảo mật cho phép xâm nhập và kiểm soát hệ thống thì thực hiện đồng thời khắc phục điểm yếu, lỗ hổng và săn lùng mối nguy hại.

- Tổ chức, kiện toàn lại các Đội ứng cứu sự cố trước ngày 31/12/2022 theo hướng chuyên nghiệp, cơ động, có tối thiểu 05 chuyên gia an toàn thông tin mạng (bao gồm cả chuyên gia thuê ngoài) đáp ứng chuẩn kỹ năng về an toàn thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định.

Đẩy mạnh ưu tiên đảm bảo an toàn không tin mạng trong 11 lĩnh vực

- Cơ quan chủ trì 11 lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin mạng (theo Quyết định 632/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ) chú trọng hoạt động chia sẻ thông tin về các nguy cơ, sự cố mất an toàn thông tin mạng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quản lý, vận hành hệ thống thông tin thuộc lĩnh vực và phục vụ kịp thời, hiệu quả cho Đội ứng cứu sự cố của lĩnh vực (CERT lĩnh vực).

Trong đó, Danh mục 11 lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin mạng và cơ quan chủ trì từng lĩnh vực, bao gồm:

+ Lĩnh vực giao thông. Cơ quan chủ trì: Bộ Giao thông vận tải.

+ Lĩnh vực năng lượng. Cơ quan chủ trì: Bộ Công Thương.

+ Lĩnh vực tài nguyên và môi trường: Bộ Tài nguyên và Môi trường.

+ Lĩnh vực thông tin. Cơ quan chủ trì: Bộ Thông tin và Truyền thông.

+ Lĩnh vực y tế. Cơ quan chủ trì: Bộ Y tế.

+ Lĩnh vực tài chính. Cơ quan chủ trì: Bộ Tài chính.

+ Lĩnh vực ngân hàng. Cơ quan chủ trì: Ngân hàng Nhà nước.

+ Lĩnh vực quốc phòng. Cơ quan chủ trì: Bộ Quốc phòng.

+ Lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội. Cơ quan chủ trì: Bộ Công an.

+ Lĩnh vực đô thị. Cơ quan chủ trì: Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

+ Lĩnh vực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Cơ quan chủ trì: Văn phòng Chính phủ.

Đồng thời, giao Đội ứng cứu sự cố thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên sau: làm đầu mối tiếp nhận, quản lý sự cố; ứng cứu, xử lý sự cố và săn lùng mối nguy hại; nghiên cứu, theo dõi các nguy cơ tấn công mạng, thông tin về lỗ hổng, điểm yếu; luyện tập các kỹ năng bảo vệ hệ thống thông tin và tham gia các chương trình huấn luyện, diễn tập do Cơ quan điều phối quốc gia chủ trì.

- Bố trí đủ kinh phí bảo đảm hoạt động của Đội ứng cứu sự cố; thu hút nhân lực chất lượng cao vào làm công tác ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng.

- Nghiêm túc thực hiện rà soát, phát hiện và khắc phục các lỗ hổng, điểm yếu theo cảnh báo của cơ quan chức năng; chủ động theo dõi, phát hiện sớm các nguy cơ mất an toàn thông tin mạng để kịp thời xử lý, khắc phục.

- Có biện pháp kiểm soát nguy cơ mất an toàn thông tin mạng gây ra bởi bên thứ ba và các chuỗi cung ứng công nghệ thông tin và truyền thông.

- Nghiêm túc thực hiện các quy định về báo cáo sự cố an toàn thông tin mạng; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về việc báo cáo, cung cấp thông tin về sự cố.

- Khuyến khích triển khai các chiến dịch nâng cao ý thức cảnh giác của người dùng cuối đối với các cuộc tấn công mạng.

- Công bố thông tin đầu mối (số điện thoại, thư điện tử hoặc các kênh liên lạc khác) tiếp nhận thông báo sự cố trên cổng thông tin điện tử của cơ quan trước ngày 31/10/2022.

Xem chi tiết tại Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 13/10/2022.

Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,549

Bài viết về

lĩnh vực Khoa học công nghệ

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]