Danh tính điện tử là gì? Danh tính điện tử có những thông tin nào?
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 59/2022/NĐ-CP, danh tính điện tử là thông tin của một cá nhân hoặc một tổ chức trong hệ thống định danh và xác thực điện tử cho phép xác định duy nhất cá nhân hoặc tổ chức đó trên môi trường điện tử.
Trong đó, chủ thể danh tính điện tử là tổ chức, cá nhân được xác định gắn với danh tính điện tử. (Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 59/2022/NĐ-CP)
Danh tính điện tử công dân Việt Nam bao gồm các thông tin được quy định tại Điều 7 Nghị định 59/2022/NĐ-CP như sau:
- Thông tin cá nhân:
+ Số định danh cá nhân;
+ Họ, chữ đệm và tên;
+ Ngày, tháng, năm sinh;
+ Giới tính.
- Thông tin sinh trắc học:
+ Ảnh chân dung;
+ Vân tay.
Cụ thể tại Điều 8 Nghị định 59/2022/NĐ-CP, các thông tin trong danh tính điện tử người nước ngoài bao gồm:
- Thông tin cá nhân:
+ Số định danh của người nước ngoài;
+ Họ, chữ đệm và tên;
+ Ngày, tháng, năm sinh;
+ Giới tính;
+ Quốc tịch;
+ Số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, loại giấy tờ và nơi cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
- Thông tin sinh trắc học:
+ Ảnh chân dung;
+ Vân tay.
Thông tin danh tính điện tử tổ chức bao gồm:
- Mã định danh điện tử của tổ chức.
- Tên tổ chức gồm tên tiếng Việt, tên viết tắt (nếu có) và tên tiếng nước ngoài (nếu có).
- Ngày, tháng, năm thành lập.
- Địa chỉ trụ sở chính.
- Số định danh cá nhân hoặc số định danh của người nước ngoài; họ, chữ đệm và tên người đại diện theo pháp luật hoặc người đứng đầu của tổ chức.
(Theo Điều 9 Nghị định 59/2022/NĐ-CP)
Theo Điều 6 và Điều 32 Nghị định 59/2022/NĐ-CP, chủ thể danh tính điện tử khi sử dụng tài khoản định danh điện tử phải có trách nhiệm và tuân thủ các quy định như sau:
- Không được sử dụng tài khoản định danh điện tử vào hoạt động, giao dịch trái quy định của pháp luật; xâm phạm đến an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
- Không được can thiệp trái phép vào hoạt động của hệ thống định danh và xác thực điện tử.
- Bảo vệ thông tin danh tính điện tử.
- Bảo đảm an toàn yếu tố xác thực.
- Thông báo ngay cho tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử khi mất kiểm soát phương tiện xác thực hoặc phát hiện có người sử dụng trái phép danh tính điện tử của mình hoặc lý do khác có thể gây mất an toàn sử dụng dịch vụ.
Cụ thể theo Điều 4 Nghị định 59/2022/NĐ-CP, các nguyên tắc định danh và xác thực điện tử bao gồm:
- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Bảo đảm tính chính xác, duy nhất trong định danh và xác thực điện tử; công khai, minh bạch trong quản lý, thuận tiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Bảo đảm an ninh, an toàn thiết bị, bảo mật dữ liệu khi thực hiện định danh và xác thực điện tử.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân được khai thác và sử dụng danh tính điện tử phải bảo mật thông tin tài khoản định danh điện tử và tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
- Mọi hành vi vi phạm pháp luật về định danh và xác thực điện tử phải được phát hiện, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Xem thêm Nghị định 59/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/10/2022.