Dữ liệu về xúc phạm người khác trên mạng được lưu trữ từ 12 tháng để xử lý

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Như Mai
23/08/2022 15:59 PM

Hiện nay, hành vi xúc phạm người khác trên mạng xã hội được lưu trữ bao lâu để xử lý?

Dữ liệu về xúc phạm người khác trên mạng được lưu trữ từ 12 tháng để xử lý

Dữ liệu về xúc phạm người khác trên mạng được lưu trữ từ 12 tháng để xử lý (Hình từ Internet)

Chính phủ ban hành Nghị định 53/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật An ninh mạng, trong đó quy định:

Dữ liệu về xúc phạm người khác trên mạng được lưu trữ tối thiểu 12 tháng để xử lý

Cụ thể, Điều 27 Nghị định 53/2022/NĐ-CP quy định thời gian lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam như sau:

- Thời gian lưu trữ dữ liệu theo quy định tại Điều 26 Nghị định 53/2022/NĐ-CP bắt đầu từ khi doanh nghiệp nhận được yêu cầu lưu trữ dữ liệu đến khi kết thúc yêu cầu. Thời gian lưu trữ tối thiểu là 24 tháng.

- Thời gian đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam theo quy định tại Điều 26 Nghị định 53/2022/NĐ-CP bắt đầu từ khi doanh nghiệp nhận được yêu cầu đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam đến khi doanh nghiệp không còn hoạt động tại Việt Nam hoặc dịch vụ được quy định không còn cung cấp tại Việt Nam.

- Nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 Luật An ninh mạng 2018 được lưu trữ tối thiểu là 12 tháng. 

Điểm b khoản 2 Điều 26 Luật An ninh mạng 2018 quy định một trong các biện pháp bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng như sau:

Ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xóa bỏ thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 Luật An ninh mạng 2018 trên dịch vụ hoặc hệ thống thông tin do cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông và lưu nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng trong thời gian theo quy định của Chính phủ.

Các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng

Các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 Luật An ninh mạng 2018, bao gồm:

- Thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm:

+ Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

+ Chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước;

+ Xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc.

- Thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng bao gồm:

+ Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, tiến hành hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực nhằm chống chính quyền nhân dân;

+ Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự.

- Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm:

+ Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;

+ Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

- Thông tin trên không gian mạng có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế bao gồm:

+ Thông tin bịa đặt, sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa, tiền, trái phiếu, tín phiếu, công trái, séc và các loại giấy tờ có giá khác;

+ Thông tin bịa đặt, sai sự thật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp, chứng khoán.

- Thông tin trên không gian mạng có nội dung bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Như vậy, theo Nghị định 53/2022/NĐ-CP, dữ liệu về xúc phạm người khác trên mạng xã hội được lưu trữ tối thiểu từ 12 tháng để phục vụ điều tra, xử lý.

Nghị định 53/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/10/2022.

Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,263

Bài viết về

lĩnh vực Công nghệ thông tin

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn