Ông Hoàng Mai Khương nói: “Theo như thông tin có đốt pháo, nhưng ngày 14-2 (mồng 5 tết) chúng tôi đã tổng hợp báo cáo từ các huyện gửi lên thì không có hiện tượng đó. Thậm chí có thông tin cho rằng ở huyện Kim Thành có mấy trường hợp bị thương do pháo nhưng không có. Thực tế các đồng chí lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra đón giao thừa, đón xuân ở các địa phương không có đồng chí nào phản ảnh hiện tượng đó. Theo yêu cầu của Chính phủ, chúng tôi đã báo cáo lên Chính phủ là không có hiện tượng đốt pháo”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quế, phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, cho rằng: “Nói chung là giảm rất nhiều so với năm trước”. Trước đó, báo chí phản ánh hiện tượng đốt pháo tràn lan ở Hải Dương.
Xác pháo vương vãi trước gia đình một số hộ dân tại thị trấn Gia Lộc (huyện Gia Lộc, Hải Dương) Ảnh: Tuổi trẻ
* Trong đêm giao thừa vừa qua, khoa cấp cứu Bệnh viện Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) tiếp nhận bệnh nhân L.Q.N. (28 tuổi, trú xã Phúc Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) với nhiều vết thương trên cơ thể, bàn tay phải bị nát. Do được người nhà đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời, sức khỏe anh N. đã qua cơn nguy kịch. Theo Công an xã Phúc Trạch, nạn nhân N. đốt mìn tự tạo để đón giao thừa thì mìn phát nổ ngay trên tay.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, tại nhiều vùng nông thôn ở tỉnh Quảng Bình, tình trạng đốt pháo, mìn tự tạo trong đêm giao thừa diễn ra rất nhiều, nhất là các xã vùng biển huyện Bố Trạch, tiếng nổ rền trời kéo dài nhiều giờ. Tại xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch), tiếng pháo nổ, pháo hoa rợp trời kéo dài từ 22g đến rạng sáng mồng 1 tết. Tương tự, tại các xã Hải Trạch, Nhân Trạch, Phúc Trạch... người dân đốt pháo và mìn tự tạo như không có lệnh cấm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Văn Gòn, chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, thừa nhận đã xảy ra một vụ tai nạn do đốt mìn tự tạo làm một người bị thương và một số xã vùng biển đã đốt pháo, pháo hoa trong đêm giao thừa. Tuy nhiên, ông Gòn nói rằng vẫn chưa nhận được báo cáo cụ thể từng địa phương có xảy ra tình trạng đốt pháo, mìn trong dịp tết, do đó chưa có biện pháp xử lý.